Dự thảo chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2030 tầm nhìn 2045 chú trọng lĩnh vực nuôi thủy sản, gồm: tôm, cá tra, cá biển... Do vậy, kỳ vọng trong thập niên này, thuỷ sản Việt Nam sẽ tăng tốc và có tốc độ phát triển tốt hơn.
Xuất khẩu tôm hướng đến mục tiêu 4,4 tỷ USD năm 2021
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, ngành thủy sản hướng đến mục tiêu xuất khẩu 9,4 tỷ USD trong năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm đang tiếp tục thuận lợi và dự báo tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD do nhu cầu trên thế giới vẫn đang tăng lên trong khi nhiều nước sản xuất vẫn đang gặp khó khăn vì Covid-19. Dự báo giá tôm trên thị trường thế giới sẽ còn tăng trong nửa đầu năm 2021.

Tôm là mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam, hàng năm đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Năm 2020, ngành tôm Việt Nam được cho là đã tìm được “cơ trong nguy”, đạt được các kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn không ít. Ước kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 đạt 3,697 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2019.
“Trong năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đã tích cực, chủ động xoay chuyển thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch bệnh Covid-19, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khác nhau. Đặc biệt là nhu cầu tôm trong phân khúc bán lẻ tại Mỹ vẫn tốt và các đơn đặt hàng mới vẫn đang tiếp tục được thực hiện và Mỹ tiếp tục tăng nhập tôm từ Việt Nam và xu hướng này sẽ vẫn duy trì trong nửa đầu năm 2021. Dự đoán giá tôm sẽ vẫn tăng trong nửa đầu năm 2021”, ông Hòe nói.
Mỹ được coi là thị trường nhập khẩu tôm ổn định nhất của Việt Nam trong năm ngoái cho dù nhu cầu giảm ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhưng nhu cầu nhập khẩu tôm nói chung của Mỹ vẫn tốt để phục vụ phân khúc bán lẻ.
Năm qua, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng khá trầm trọng đến chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, nhưng chế biến xuất khẩu tôm Việt vẫn khởi sắc. Từ năm 2020 tới đầu năm 2021 một loạt các nhà máy chế biến tôm mới được khánh thành, báo hiệu một giai đoạn mới lạc quan cho ngành tôm Việt.
Sóc Trăng sớm thành vùng trọng điểm tôm của cả nước
Ngay đầu năm 2021, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có khuôn viên gần 3 hecta, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày, kho lạnh công suất 3.000 tấn. Sự đầu tư phát triển này sẽ góp phần đẩy Thuận Phước vào top 5 doanh nghiệp tôm hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, An An có vùng nuôi tôm 200 hecta tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Nơi đây sẽ trở thành vùng trọng điểm lý tưởng, phù hợp cung ứng nguyên liệu cũng như tạo sự chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm. An An được xây dựng đồng bộ, với hệ thống xử lý nước thải công suất đến 1500 m3/giờ, bảo đảm môi trường và mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chung của ngành thủy sản hiện nay, khánh thành nhà máy chế biến tôm An An như một sự đột phá, song song đó có nhiều doanh nghiệp tôm lớn cũng đã và đang chuyển mình. Có thể kể ra như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có kế hoạch cuối quý I/2021 sẽ khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, công suất chung gần 50.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Đồng thời Minh Phú còn có kế hoạch xây thêm nhà máy chế biến tôm ở tỉnh Kiên Giang. Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) cũng tranh thủ thời cơ với việc xây dựng 2 nhà máy chế biến tôm trong Khu công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng, thi công cùng lúc từ trong năm 2020, công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.
Công ty CP Nha Trang Seafood –F17 (NTSF) cũng “Nam tiến” như Thuận Phước. NTSF đã có nhà máy chế biến tôm và cá tra ở Thốt Nốt, đang hoàn thiện những khâu cuối cùng cho nhà máy chế biến tôm ở Hộ Phòng, Bạc Liêu, công suất 10.000 tấn/năm.
Công ty CP Thủy sản Minh Hải (Sea Minh Hải) đang cải thiện điều kiện sản xuất, nâng công suất chế biến và an toàn thực phẩm cho cả 3 nhà máy của mình tại Bạc Liêu. Công ty Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES) đã làm mới nhà máy chế biến sâu và nâng công suất kho thêm 3.000 tấn.
Ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX cho biết, các doanh nghiệp lớn ngành tôm tại Sóc Trăng đều có chương trình phát triển hoạt động trong những năm tới, như: Stapimex, Cleanfood, Taika, Khánh Sủng... Tại đây sự hình thành của các doanh nghiệp mới như Thái Hoà (2019), Khanganfoods (đầu năm 2021) sẽ khiến sự cạnh tranh của ngành tôm thêm sôi động, nhưng sẽ là một động lực khiến Sóc Trăng sớm thành vùng trọng điểm tôm của cả nước.
“Tôi cảm nhận được dòng chảy ngành tôm đang bền bỉ yên ắng, nhưng sẽ sớm sôi động, náo nhiệt, đặc biệt vào giai đoạn 6 tháng cuối năm, với những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, hy vọng sẽ tương đồng với những con số VASEP đưa ra trong Đại hội Toàn thể hồi tháng 12/2020. Cảm nhận rõ những tín hiệu vui, đáng mừng, nhưng liền đó cũng không khỏi lo lắng, băn khoăn.
Việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm đang ách tắc, khiến tôm Việt Nam thiếu giấy “thông hành” bơi ra thế giới. Ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang trải qua không ít vất vả để đáp ứng những yêu cầu của tổ chức đánh giá, chứng nhận nuôi ASC. Tỉ lệ tôm nuôi đạt chuẩn ASC chưa nhiều, chưa tranh thủ tốt lợi thế EVFTA mang lại để rút ngắn thời gian nâng tầm tôm Việt... Dẫu sao, những tồn đọng được nhận biết sẽ chủ động ứng xử hơn là thiếu ý thức, thụ động hứng chịu rủi ro, thậm chí thiệt hại sau này”, ông Lực chia sẻ.

Nguồn: nhipsongdoanhnghiep