Dù thương mại thủy sản chưa thoát khỏi ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng ngành tôm được dự báo tiếp tục phát triển nhờ cú hích FTA, đặc biệt với kinh nghiệm thích ứng sự biến đổi của thị trường từ năm 2020.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất trong khối CPTPP
Tháng 1/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm đạt 218,8 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu gổm: Khối thị trường CPTPP đạt 75,408 triệu USD, chiếm tỷ lệ 34,5%; thị trường Mỹ đạt 41,839 triệu USD, chiếm 19,%; thị trường EU đạt hơn 29,958 triệu USD, chiếm tỷ lệ 13,7%; Hàn Quốc đạt 23,368 triệu USD, chiếm tỷ lệ 10,7% …
Trong khối thị trường CPTPP đạt 75,408 triệu USD thì riêng thị trường Nhật Bản có kim ngạch lớn nhất đạt hơn 43,852 triệu USD, chiếm 20%/34,5% giá trị kim ngạch trong toàn khối.
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản trong năm 2020, đạt 55,05 nghìn tấn, trị giá 608 triệu USD (chiếm 15,79% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam), giảm 5,3% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so với năm 2019. Mặc dù giảm, nhưng thị phần tôm của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản lại tăng so với năm 2019.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu tôm của Nhật Bản năm 2020 đạt 219 nghìn tấn, trị giá 242,8 tỷ Yên (tương đương 2,292 tỷ USD), giảm 6,3% về lượng và giảm 12,5% về trị giá so với năm 2019.
Do tác động của dịch Covid–19, xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu sản phẩm tôm của Nhật Bản năm 2020 có thay đổi khi nhập khẩu sản phẩm tôm trị giá cao giảm, trong khi nhập khẩu sản phẩm tôm có trị giá thấp và trung bình tăng mạnh. Do đó giá nhập khẩu trung bình tôm vào Nhật Bản trong năm 2020 giảm 78,7 Yên/kg so với năm 2019, đạt 1.108 Yên/ kg (tương đương 10,49 USD/kg).
Xuất khẩu tôm sang EU tăng trưởng tốt nhờ EVFTA
Tháng 1/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm đạt 218,8 triệu USD, trong đó tôm chân trắng đạt 170 triệu USD, tăng 32,5%; tôm sú đạt 22,3 triệu USD, giảm 38,7%; tôm biển khác đạt 21,6 triệu USD, tăng 9%. 5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất gồm: CPTTP, Mỹ, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm 76% giá trị xuất khẩu.

Nguồn: Vasep
Tháng 1/2021, xuất khẩu tôm sang EU tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, với giá trị xuất khẩu đạt gần 30 triệu USD, tăng 16%. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Đức tăng 27,5%; Hà Lan tăng 30,6%, Bỉ tăng 21%, Đan Mạch tăng 72%.
Hà Lan là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm tỷ trọng 28% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU và chiếm 3,9% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, trừ tháng 1/2020 xuất khẩu sang thị trường này giảm, các tháng còn lại dường như không bị chịu tác động của Covid-19 và tăng trưởng dương liên tục.

Hiện nay có 65 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm sang Hà Lan, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Hà Lan những sản phẩm như tôm sú PD hấp đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ HLSO tươi đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ chân trắng, lột vỏ, luộc sushi đông lạnh, tôm sú tươi PD đông lạnh, tôm thẻ sushi luộc đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu PTO tươi đông lạnh, tôm sắt luộc đông lạnh IQF, tôm thẻ PTO luộc cấp đông, tôm chân trắng PD, IQF tươi đông lạnh…
Dự báo quý 1/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường EU tiếp tục tăng trưởng dương hai con số nhờ sự phục hồi của nhiều nền kinh tế, trong đó nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường ở Bắc Âu cũng đã tăng trưởng mạnh so với năm 2020.
Bà Kim Thu, chuyên gia thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, ngành tôm có thể tranh thủ khi đang có lợi thế hơn các đối thủ Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Các quốc gia nhập khẩu cũng thường ưu tiên chọn mua tôm từ Việt Nam. Ngoài ra, những FTA với nhiều thị trường lớn đã vào đường ray thực thi, đang được các doanh nghiệp tận dụng cũng rộng đường cho tôm xuất khẩu.
Năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Bởi theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thu 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi có hiệu lực.
Nhờ EVFTA, ngành tôm có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước sản xuất khác, trong đó lợi thế rõ rệt với tôm chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tôm đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%.
Qua những phân tích thị trường như trên VASEP đặt nhiều kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ đạt mục tiêu 4,5 tỷ USD.

Nguồn: nhipsongdoanhnghiep