Ngân hàng CoBank - Mỹ cho biết nhu cầu thịt lợn của Mỹ trong năm 2021 vẫn tăng mạnh, mặc dù giá tăng 12% trong 10 tháng năm 2021.
Theo Cục Lao động và Thống kê Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10/2021 đối với tất cả các loại thịt, gia cầm, cá và trứng tại Mỹ đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, do tiêu thụ tại các nhà hàng tăng, lạm phát giá thịt có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2022.
Ông Brian Earnest - chuyên gia phân tích ngành chăn nuôi của CoBank cho biết, giá thịt bán lẻ tăng có thể làm hạn chế tiêu thụ, giảm nguồn cung gia súc và việc giảm đàn lợn nái sẽ làm tăng lợi nhuận cho các nhà chế biến trong ít nhất nửa đầu năm 2022. Nguồn cung giảm cho thấy mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người của Mỹ từ mức đỉnh 225 Lb/người (102 kg) trong năm 2020 sẽ giảm xuống ít nhất là đến năm 2023.
Đầu năm 2021, lợi nhuận của các công ty chế biến thịt đạt mức kỷ lục, thông thường sẽ kéo theo công suất giết mổ tăng, nhưng thực tế không phải vậy. Giá thịt giảm từ năm 2019 đến giữa năm 2021, kết hợp với hạn hán khắc nghiệt ở miền Tây nước Mỹ, đã làm cho nguồn cung gia súc giảm trong ít nhất 2-3 năm tới. Dự đoán các công ty chế biến lớn và nhỏ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để giành nguồn cung gia súc, do đó, giá sẽ tăng và lợi nhuận chỉ ở mức trung bình.
Ngành chế biến thịt lợn của Mỹ phải đối mặt với một thách thức trong việc quản lý chăn nuôi lợn và nguồn cung thịt lợn để phù hợp với Dự luật 12 của Bang California, quy định thịt lợn bán trong tiểu bang này phải được nuôi theo tiêu chuẩn diện tích chuồng trại lớn. Theo ước tính đến giữa năm 2021 chỉ có khoảng 4% số cơ sở chăn nuôi lợn nái đủ tiêu chuẩn này, nhưng bang California hiện tiêu thụ 14% trong tổng sản lượng thịt lợn của Mỹ. Dự luật 12 sẽ dự kiến có hiệu lực vào quý 2/2022. Dự kiến giá thịt lợn ở nang California sẽ tăng mạnh, ít nhất là cho đến khi có đủ các chuỗi cung ứng phù hợp với Dự luật.
Mỹ sẽ tăng xuất khẩu thịt sang Mexico
Xuất khẩu thịt của tăng đã tăng trưởng ổn định kể từ năm 2016, nhưng khi thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một với Trung Quốc kết thúc vào năm 2021, không rõ liệu Mỹ có còn là nguồn cung cấp chính thịt lợn cho Trung Quốc hay không. Trung Quốc đã nhanh chóng khôi phục lại nguồn cung thịt lợn nội địa sau khi bùng phát Dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2018-19, và giá thịt lợn trong nước đã giảm mạnh trong những tháng gần đây, tương ứng với sự sụt giảm đáng kể nhập khẩu thịt lợn và gia cầm. Mặc dù xuất khẩu thịt bò của Mỹ tăng mạnh trong nửa cuối năm 2021, nhưng cơ hội xuất khẩu thịt các loại của Mỹ sang Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh điểm. Việc giao hàng chậm tại các cảng hiện nay và tình trạng thiếu container có thể là một phần nguyên nhân, nhưng có thể sẽ kéo dài trong suốt năm 2022. Mexico sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu thịt lợn và gia cầm lớn nhất của Mỹ vào năm 2022, nhưng không chắc chắn rằng nước này có thể bù đắp được lượng nhập khẩu giảm ở thị trường Trung Quốc.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC/euromeatnews