Nghị định thư nêu rõ: tất cả các vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với MARD và được cả MARD và GACC phê duyệt.
Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, MARD phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được đăng trên website của GACC.
Về quản lý vùng trồng, dưới sự giám sát của MARD, tất cả các vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng...
Ở góc độ đóng gói và chế biến, MARD hoặc cán bộ được MARD ủy quyền sẽ giám sát quy trình chế biến và đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ sở đóng gói có đất nền cứng, sạch, hợp vệ sinh, có khu chứa nguyên liệu và kho thành phẩm. Các khu chế biến, xử lý, bảo quản và khu chức năng phải riêng biệt, được bố trí hợp lý và tách biệt với khu vực sinh hoạt.
Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, bao gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng, ngày xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu, nước nhập khẩu, số container và các thông tin khác.
Trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của MARD phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%. Trong trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong một số trường hợp, vùng trồng hoặc/và cơ sở đóng gói liên quan sẽ không được xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong thời gian còn lại của mùa vụ. MARD sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả. Đồng thời, hồ sơ về trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật phải được lưu giữ và phải cung cấp theo yêu cầu của GACC.
Về kiểm dịch tại cửa nhập khẩu: sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.
Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Nghị định thư có hiệu lực kể từ ngày 11/7/2022, có hiệu lực trong 3 năm, trừ khi một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia ít nhất 3 tháng trước ngày hết hiệu lực về ý định sửa đổi hoặc chấm dứt Nghị định thư. Nghị định thư sẽ tự động gia hạn hiệu lực theo chu kỳ 3 năm.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (MARD) chia sẻ thêm: ngoài Nghị định thư này, trong ngày 11/7, MARD đã gửi tiếp công hàm toàn bộ danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho phía GACC để rà soát.
Sau khi rà soát và kiểm tra, GACC sẽ đăng các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện lên trang web để các doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin và xúc tiến các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.
“Cục Bảo vệ thực vật sẽ sớm tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp để nắm vững các quy định, điều kiện để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc”, ông Hoàng Trung khẳng định.
 

Nguồn: Haiquanonline