Trong tuần qua, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu giảm vào đầu tuần, ngày (17/5) giá gạo nguyên liệu và thành phẩm IR 504 giảm 100 đồng/kg xuống lần lượt 8.900 đồng/kg và 10.500 đồng/kg. Giá tấm ổn định ở 8.700 đồng/kg; giá cám vàng ở 7.300-7.400 đồng/kg. Ngày 23/5 giá gạo nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu ổn định ở mức 8.900- 9.000đồng/kg và 10.400-10.500 đồng/kg. Giá tấm 8.700 đồng/kg và cám vàng tăng 100 đồng/kg lên 7.500 đồng/kg.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tuần qua giá lúa ở hầu hết các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ ổn định. Cụ thể, tại Đồng Tháp, lúa tươi loại IR 50404 là 6.100 đồng/kg; tại Cần Thơ, giá lúa khô như Jasmine ở mức 7.300 đồng/kg, OM 4218 là 6.900 đồng/kg, IR 50404 là 6.700 đồng/kg…
Tại Sóc Trăng, giá các loại lúa khô như Đài Thơm 8 là 8.100 đồng/kg; ST24 là 8.150 đồng/kg; RVT là 7.350 đồng/kg… Tại Kiên Giang, nhiều loại lúa tươi có giá ổn định, tuy nhiên một vài loại lúa OM giảm nhẹ so với tuần trước 100 đồng/kg như: IR 50404 từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, OM các loại từ 6.100 - 6.400 đồng/kg, Jasmine từ 6.300 - 6.400 đồng/kg.
Tại thị trường An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, nhìn chung các loại lúa có giá ổn định nhưng cũng có một vài loại giảm nhẹ như: lúa tươi thường dao động từ 6.000 - 6.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 6.500 - 6.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Giá nếp vỏ khô giảm 200 đồng/kg xuống 6.800- 7.000 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao cũng duy trì ổn định như OM các loại từ 6.000 - 6.500 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.500 - 7.600 đồng/kg… giá lúa IR 50404 6.000-6.100 đồng/kg; giá lúa OM 9577 6.050 đồng/kg; lúa OM 9582 6.050 -6.200 đồng/kg; giá lúa OM 6976 6.000 – 6.200 đồng/kg. Giá lúa OM 18 6.400-6.500 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng gạo tại An Giang cũng có xu hướng ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức từ 11.000 – 12.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp 14.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, riêng gạo Hương Lài 17.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Giá gạo thường 11.000-12.000; gạo nàng hoa 16.200 đồng/kg; gạo sóc thường 14.000 đồng/kg. Gạo Nhật 24.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái 17.000 đồng/kg; gạo thơm đài Loan trong 20.000 đồng/kg. Gạo nàng Nhen 20.000 đồng/kg.

Vụ lúa Hè Thu năm nay, tỉnh Kiên Giang gieo trồng khoảng 280.000 ha, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân làm đất, cải tạo hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất vụ lúa đạt năng suất, chất lượng cao.

Tại tỉnh Bến Tre, vụ Hè Thu 2021 năm nay sản xuất lúa trên diện tích hơn 10,5 nghìn ha; trong đó tập trung ở huyện Ba Tri 9,5 nghìn ha, Giồng Trôm 800 ha, Thạnh Phú 150 ha, Bình Đại 80 ha; ước năng suất bình quân 44,4 tạ/ha...
Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa Hè Thu 2021, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch gieo cấy hơn 1,52 triệu ha, năng suất dự kiến đạt 5,62 tấn/ha, sản lượng dự kiến đạt hơn 8,55 triệu tấn, tăng 92.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 5 đạt 269.224 tấn, trị giá 145,9 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5/2021 đạt 2.241.960 tấn, trị giá 1,21 tỷ USD.

Trong khi giá gạo trong nước có xu hướng ổn định thì giá gạo trên thị trường thế giới lại giao dịch trái chiều. Điển hình như giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ lần đầu tiên tăng trong bảy tuần qua nhờ đồng rupee mạnh lên, trong khi giá gạo Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu tháng qua do nhu cầu yếu.

Giá gao đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 379 - 385 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 370 - 374 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết, giá gạo nước này đang dần tăng lên do đồng rupee tăng giá, tuy nhiên vẫn rẻ hơn giá gạo ở những nơi khác. Gần đây giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ chịu ảnh hưởng xấu khi chính phủ mở kho dự trữ để giúp người nghèo ở vùng quê ứng phó với hoàn cảnh số ca mắc COVID-19 tăng cao.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng gạo tại Bangladesh trong niên vụ đến tháng Tư dự kiến sẽ tăng 3,5% so với niên vụ trước, đạt 35,8 triệu tấn, do diện tích và sản lượng tăng cao hơn. Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã trở thành khách hàng nhập khẩu lớn sau khi hứng chịu lũ lụt liên tiếp trong năm 2020, khiến mùa màng bị thiệt hại và đẩy giá gạo trong nước tăng cao kỷ lục.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan lại giảm xuống từ 454 - 475 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2020, từ mức 465-473 USD/tấn trong tuần trước đó. Các nhà giao dịch cho rang, nhu cầu nước ngoài yếu là nguyên nhân khiến giá gạo giảm và không có lo ngại về vấn đề nguồn cung.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước đó ở mức 490 - 495 USD/tấn. Một thương lái có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh số bán vẫn ở mức thấp do nhu cầu yếu.
Cơ hội để Việt Nam tiếp tục cung cấp gạo ổn định sang Philippines

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt hơn 715.000 tấn, trị giá hơn 380 triệu USD, chiếm 36,27% tổng lượng xuất khẩu của cả nước cho thấy Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu truyền thống và quan trọng của Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết, việc Philippines giảm thuế đối với gạo nhập khẩu sẽ mở thêm cơ hội để Việt Nam tiếp tục cung cấp gạo ổn định cho Philippines.
Điều này góp phần hỗ trợ Philippines ổn định thị trường trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các nước xuất khẩu gạo truyền thống như Thái Lan, Ấn Độ, để nắm bắt được cơ hội này, Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất lớn tại các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, giảm tối đa các khâu trung gian ở cả đầu vào và đầu ra để hỗ trợ giảm giá thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho gạo xuất khẩu.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu và tuân thủ nghiêm túc các quy định của Philippines về nhập khẩu gạo; trong đó, có các quy định về khai báo hải quan trung thực. Đồng thời, chỉ đàm phán và ký kết hợp đồng với những thương nhân Philippines đã được Bộ Nông nghiệp Philippines cấp Giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS-IC).
Theo Bộ Công Thương, việc giảm thuế nhập khẩu gạo của Philippines là theo sắc lệnh của Tổng thống nước này và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Vì vậy, cần theo dõi sát tình hình, đánh giá đầy đủ các rủi ro chính sách để xây dựng phương án giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng phù hợp. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có phương án phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên có biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng gạo xuất khẩu để bảo đảm tuyệt đối uy tín cho gạo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Mặt khác, kịp thời phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các hành vi có thể gây mất uy tín cho gạo xuất khẩu của Việt Nam để thông báo tới cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Hiện tại, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho người nông dân trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực trong nước.
Trước đó, theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Philippines, Tổng thống Duterte đã quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 35% (trước đây là 40% đối với gạo nhập khẩu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch) trong vòng một năm để tăng nguồn cung gạo, duy trì giá gạo phải chăng và giảm sức ép lạm phát.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Văn phòng Tổng thống đăng công báo là ngày 17/5/2021 và có thời hạn hiệu lực trong 1 năm.
Gạo ST25 đứng vững tại thị trường Mỹ
Gạo ST25 đang mở ra cơ hội cho gạo Việt Nam có thể chinh phục thị trường Mỹ, một trong những thị trường đầy tiềm năng.
Hiện nay, Việt Nam có khá nhiều loại gạo ngon như gạo Tám Thơm, gạo Nàng Hương và một số loại gạo đặc sản ở các địa phương khác. Tuy nhiên, việc được cọ sát ở các cuộc thi gạo quốc tế đã mang đến cho gạo ST25 một giá trị mới, tuy nhiên để đứng vững tại thị trường Mỹ là không đơn giản.
Để thâm nhập vào thị trường khó tính này, các sản phẩm được nhập khẩu phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, sản lượng, bao bì, thương hiệu... Tuy nhiên, tiêu chuẩn cao cũng đồng nghĩa với giá trị gia tăng sẽ cao.
Nhận thức được nhu cầu của thị trường với các sản phẩm gạo chất lượng cao, Công ty Great Wealth là doanh nghiệp đầu tiên nhập khẩu chính ngạch gạo ST25 của Việt Nam để phân phối tại Mỹ. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp này đang nhập khẩu khoảng 1.000 tấn gạo ST25 từ trong nước. Quá trình chế biến cũng như đóng gói bao bì đều được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam.
"Bao gạo của chúng tôi có ghi rõ ràng là "Product of Vietnam", tức là sản phẩm này có nguồn gốc từ Việt Nam. Sự thật là lần đầu tiên có một loại gạo của Việt Nam đứng vững vàng trên thị trường Mỹ. Từ trước đến nay chỉ có gạo của Thái Lan. Lần đầu tiên người Việt mình có một loại gạo đánh bại được gạo Thái Lan. Sản phẩm này là đúng là thuộc đẳng cấp quốc gia", ông Tony Trần nhận định.
Hiện nay, doanh nghiệp này đã được Bộ Nông nghiệp và Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo ST25 đủ điều kiện về chất lượng và an toàn sâu bệnh để nhập khẩu vào Mỹ.
Khảo sát thị trường gạo tại Mỹ cho thấy, hiện tại chiếm thị phần chủ yếu vẫn là giống gạo thơm của Thái Lan và Ấn Độ được phân phối bởi nhiều thương hiệu khác nhau. Đối với gạo ST25 của Việt Nam, dù cơ bản đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Mỹ nhưng để tiếp tục cuộc đua dài hơi tại thị trường tiềm năng này, bên cạnh đảm bảo chất lượng và sản lượng, việc xây dựng một thương hiệu mạnh ngay từ đầu cũng là vấn đề quan trọng. 

Nguồn: VITIC