Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.
Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.475đồng/kg, giá bình quân là 6.371 đồng/kg, giảm 18 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.900 đồng/kg, trung bình là 7.192 đồng/kg, giảm 25 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá các mặt hàng gạo không có nhiều biến động. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.400 đồng/kg, giá bình quân 10.332 đồng/kg, tăng 4 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.300 đồng/kg, giá bình quân 10.083 đồng/kg, tăng 8 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.200 đồng/kg, giá bình quân 9.850 đồng/kg, không đổi so với tuần trước. Riêng gạo xát trắng loại 1 tăng 63 đồng/kg, có giá trung bình là 10.700 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa không đổi so với tuần trước như Jasmine là 7.200 đồng/kg, OM 4218 là 6.400 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.200 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng cũng vẫn giữ ổn định như: Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST 24 là 8.000 đồng/kg.
Giá lúa tại Hậu Giang có sự biến động tăng từ 100-200 đồng/kg ở một số loại như: IR 50404 là 6.600 đồng/kg; lúa OM 18 là 7.600 đồng/kg. Riêng RVT giảm 200 đồng/kg ở mức 8.200 đồng/kg.
Giá lúa ở Tiền Giang không có sự biến động như IR 50404 là 6.800 đồng/kg; OC ổn định ở mức 6.500 đồng/kg; Jasmine là 7.200 đồng/kg.
Sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, tỉnh Kiên Giang gieo trồng 281.000 ha, phấn đấu sản lượng đạt trên 2 triệu tấn lúa. Đến thời điểm này, các huyện, thành phố trong tỉnh đã gieo sạ hơn 225.100 ha, đạt hơn 80% kế hoạch, diện tích còn lại gieo sạ dứt điểm trong tháng 12/2022.
Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống khô hạn, thiếu nước, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn, nhất là ở những vùng sản xuất trọng điểm và thường xuyên theo dõi, thông tin tình hình xâm nhập mặn cho nông dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, kiểm tra nguồn nước trước khi bơm tưới cho lúa.
Về xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 trong bối cảnh các nhà giao dịch chú ý đến nguồn cung mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng, trong khi lãi suất mới từ Nhật Bản đã hỗ trợ thị trường Thái Lan.
Giá gạo 5% tấn của Việt Nam được chào bán ở mức từ 448-453 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức từ 445-450 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà giao dịch ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết nhu cầu của thị trường vẫn tốt trong khi nguồn cung đang cạn kiệt. Nhà giao dịch này cho biết thêm sản lượng và chất lượng gạo vụ Đông Xuân tới sẽ tốt hơn so với vụ Hè Thu.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 425- 457 USD/tấn trong ngày 15/12, tăng so với mức 444 USD/tấn của tuần trước. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết Indonesia đã đặt hàng trăm nghìn tấn gạo và nhiều nhà xuất khẩu đang cố gắng hoàn thành thỏa thuận này trước cuối năm nên giá đã tăng.
Một thương nhân khác cho biết Nhật Bản cũng có nhu cầu mua gạo, với đơn đặt hàng khoảng 20.000 tấn gạo trong tuần này, dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 3/2022.
Đồng baht mạnh lên cũng giúp hỗ trợ giá gạo, trong khi tình hình nguồn cung vẫn không đổi.
Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 373-378 USD/tấn, không đổi so với tuần trước đó.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang miền nam Andhra Pradesh cho biết nguồn cung từ vụ mùa mới đang tăng, nhưng hoạt động thu mua mạnh của chính phủ đang hỗ trợ thị trường.
Theo số liệu từ Bộ Lương thực, kế hoạch nhập khẩu gạo tư nhân của Bangladesh gặp trở ngại khi chỉ mua được 360.000 tấn kể từ tháng 7/2022, sau khi chính phủ cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn.
Trên thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 16/12, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và lúa mỳ giảm, còn giá đậu tương tăng.