Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.050 đồng/kg, giá bình quân là 5.900 đồng/kg, tăng 214 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.550 đồng/kg, trung bình là 6.858 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng tốt. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.050 đồng/kg, giá bình quân 9.814 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.750 đồng/kg, giá bình quân 9.592 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.367 đồng/kg, tăng 192 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 có giá trung bình là 9.217 đồng/kg, tăng 254 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa tại Sóc Trăng có sự tăng giảm tùy loại như OM 4900 tăng 300 đồng/kg, ở mức 6.700 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Riêng ST 24 ổn định ở mức lên 8.200 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa tuần qua không có biến động. Lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa ST tăng 200 đồng/kg, lên 7.200 đồng/kg; nhưng IR 50404 lại giảm 100 đồng/kg còn 5.500 đồng/kg.
Lúa OM 18 tại Hậu Giang cũng tăng 100 đồng/kg lên 6.600 đồng/kg, nhưng RVT lại giảm với mức tương tự còn 8.400 đồng/kg.
Giá lúa ở Tiền Giang có sự tăng, giảm tùy loại như IR 50404 tăng 100 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg; nhưng Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 7.300 đồng/kg; OC 10 giảm 200 đồng/kg còn 6.000 đồng/kg.
Hiện tỉnh Kiên Giang cơ bản thu hoạch xong lúa Hè Thu, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, sản lượng ước hơn 1,58 triệu tấn, đạt 100,61% kế hoạch.
Đối với sản xuất vụ lúa Thu Đông 2022, tỉnh Kiên Giang gieo sạ được 69.181ha, bằng 86,4% kế hoạch, giảm 21.429ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện tỉnh thu hoạch khoảng 44.000ha, năng suất bình quân ước đạt 5,4 tấn/ha.
Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, nông dân Kiên Giang gieo sạ sớm khoảng 8.470ha, đạt khoảng 3% kế hoạch.
Xâm nhập mặn vào mùa khô 2022-2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo là sâu hơn trung bình nhiều năm. Ước tính vào đầu năm 2023, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 60.000ha diện tích sản xuất lúa của một số địa phương ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Do đó, những khu vực này sẽ phải đẩy nhanh gieo sạ vụ Đông Xuân sớm.
Trong khi thị trường lúa, gạo đang tăng giá tốt thì giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam không đổi ở mức từ 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Một nhà giao dịch tại tình An Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết nguồn cung trong nước đang ở mức thấp và giá gạo có thể cao hơn một chút trong những tuần tới.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 265.250 tấn gạo sẽ được xuất cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1-22/10; trong đó phần lớn gạo được xuất sang các nước Philippines, châu Phi và Bangladesh.
Trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đi ngang thì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm xuống mức thấp của hơn 2 tháng trong tuần này do đồng baht suy yếu và nhu cầu giảm.
Giá gạo Thái 5% tấm được giao dịch ở mức từ 410-420 USD/tấn, giảm so với mức từ 415 -425 USD/tấn trong tuần trước đó. Các nhà giao dịch cho rằng giá gạo giảm là do nhu cầu không rõ ràng trên thị trường nước ngoài và trong nước.
Đồng baht Thái được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng USD, do những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.
Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức từ 374-382 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước do lo ngại về mưa lớn làm ảnh hưởng đến sản lượng.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam, cho biết sản lượng có thể sẽ được điều chỉnh giảm hơn nữa. Mưa đã làm ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng ở các bang phía Bắc và phía Nam.
Lượng mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa gạo ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh.
Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu gạo tấm ra nước ngoài với khối lượng 397.267 tấn được hỗ trợ bằng thư tín dụng (LC) được phát hành trước ngày 8/9.
 

Nguồn: Bích Hồng-Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)