XK cá tra đang được đẩy mạnh vào thị trường truyền thống, đồng thời tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Brazil...
XK sụt giảm hơn 39%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng đầu năm nay, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3%. Đáng chú ý XK cá tra chỉ đạt 456 triệu USD, giảm tới 39,1%, trong đó, XK sang thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%...

Tìm hướng đi mới cho cá tra Việt, các DN cần nghiên cứu những sản phẩm phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng, chú ý những tiêu chuẩn, quy chuẩn ở thị trường nội địa. Bởi, có những tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn thị trường châu Âu, châu Mỹ nhưng lại chưa phù hợp với thị trường Việt Nam. Ví dụ, con cá đòi hỏi độ dai, độ săn chắc cao hơn...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
XK cá tra giảm sút khiến cho giá cá tra nguyên liệu trong nước cũng khá ảm đạm. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nêu rõ: Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 5 chững ở mức thấp. Sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, giá và lượng bắt cá của các công ty vẫn ổn định như trước nghỉ lễ, đạt quanh mức 18.000-18.200 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Trong khi đó, chi phí sản xuất dao động 20.000 - 22.000 đồng/kg. Nhu cầu bắt cá nguyên liệu trên thị trường duy trì ở mức thấp. Các công ty lớn hầu như không bắt cá ngoài mà chủ yếu đang bắt trong hệ thống liên kết. Các công ty nhỏ, đơn vị gia công bắt cá ngoài rất ít.
Hiện nay, cá tra Việt đã XK tới 119 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ngành này liên tục trồi sụt, quy luật khoảng 3-5 năm/lần. Hiện nay, mức bán giá cá tra chỉ 18.000-19.000 đồng/kg, dưới giá thành. Đây là điều bất hợp lý. "Tại sao cá tra Việt Nam chiếm 95% thị phần thế giới lại chấp nhận sự trồi sụt như vậy?", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề.
Trên thực tế, Bộ NN&PTNT cũng chỉ rõ, từ đầu năm đến nay, sự sụt giảm quá nhanh về thị trường XK khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn, một lượng lớn cá tra bị tồn kho, chưa thể XK được. Nhiều DN mất đơn hàng, đứt đoạn sản xuất, nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế; đặc biệt là việc ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra Việt Nam với tên tuổi, thương hiệu đã dày công xây dựng.
Phục hồi từ quý 3?
Năm 2020, ngành hàng cá tra phấn đấu sản lượng nuôi dự kiến đạt 1,42 triệu tấn; diện tích nuôi lũy kế dự kiến đạt 6.600 ha và giá trị XK khoảng 2 tỷ USD. Sau 2 quý trầy trật khó khăn, Bộ NN&PTNT dự báo, từ quý 3/2020 ngành hàng này mới có khả năng phục hồi hoàn toàn.

Giá trị XK thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 2,81 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm 57,2% tổng giá trị XK thủy sản.

Trong 4 tháng đầu năm, 4 thị trường XK thủy sản lớn nhất bao gồm: Nhật Bản đạt 434 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 377 triệu USD, giảm 2,1%; EU đạt 336 triệu USD, giảm 14,3%; Trung Quốc đạt 246 triệu USD, giảm 9,3%.
Không đưa ra cái nhìn lạc quan như Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường XK lớn như Mỹ, EU, Brazil…, XK cá tra trong quý 2 khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm. Nếu quý 3, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì XK cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại.
Liên quan tới triển vọng phục hồi ngành cá tra thời gian tới, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ: Chủ trương các tỉnh là sốc lại ngành hàng để thúc đẩy tiêu thụ. Tuy nhiên, điều này không thể gấp rút mà còn phụ thuộc tình hình Covid-19 ở các nước trên thế giới. Nếu theo tình hình khả quan, dịch bệnh ở từng nước có chiều hướng giảm. Dự báo sẽ thúc đẩy XK cá tra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng, các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra để không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường XK; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để XK cá tra vào các thị trường truyền thống bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 thời gian qua như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, ASEAN…; tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật và tận dụng cơ hội từ các FTA nhằm phát triển thị trường tiềm năng như Nga, Brazil...

Nguồn: haiquanonline.com.vn