Dẫn nguồn tin từ tintucnongnghiep.com, hiện vải thiều chính vụ sẽ được thu hoạch trong khoảng 4-6 ngày tới, dự kiến sẽ thu hoạch rộ trong 1 tháng nữa, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết.

Năm nay, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên diện tích vải thiều của tỉnh Bắc giang giảm đến 1.000 ha. Chính vì vậy, sản lượng ước tính chỉ đạt 130.000 tấn, bằng 70% sản lượng cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo sản lượng sụt giảm, nhưng theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, đổi lại thời tiết sau khi vải đậu quả có mưa nhiều khiến cho quả lớn rất nhanh và ngon. Dự báo, giá vải thiều Lục Ngạn năm nay sẽ tăng 20% so với năm ngoái bởi chất lượng quả tốt hơn; Trung Quốc bị mất mùa vải và vải Lục Ngạn chín chậm do rét (sẽ chín sau vải của Trung Quốc khoảng 15 ngày).

Lục Ngạn hiện có 10.500/16.300 ha sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 158ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP được Bộ NN-PTNT cấp 13 mã vùng trồng, sản lượng dự kiến khoảng 1 nghìn tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết.

Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều đảm bảo điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Úc, EU, Malaysia, Nhật Bản…

Trên địa bàn toàn tỉnh, theo tính toán của cơ quan chức năng, năm nay ở Bắc Giang sẽ có khoảng 3.000 điểm thu mua lớn, nhỏ, với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước. Đáng chú ý, thương nhân đến từ bên kia bên giới là khá đông đảo, lên đến 200 người.

Những năm qua, lượng tiêu thụ vải thiều của Việt Nam tại Trung Quốc là rất lớn, chính vì thế “thân nhiệt thị trường” cũng phụ thuộc không nhỏ vào những thương lái này.

Tại một số trang trại lớn của Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, thương lái Trung Quốc đã ký hợp đồng mua vải thiều, nhưng chưa áp giá. Sẽ là quá sớm để nói giá vải cao hay thấp, nhưng nhìn vào những gì Bắc Giang đã chuẩn bị thì hy vọng năm nay vải thiều sẽ được giá, thị trường thông thoáng, không còn cảnh ép giá khiến người làm vườn lao đao.

Mặc dù, phải đến nữa tháng nữa mới có vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) hay vải thiều ở Thanh Hà (Hải Dương) nhưng lúc này nhiều phố phường Hà Nội đã có “vải thiều”. Nhiều chủ hàng rong, hàng hoa quả khẳng định như đinh đóng cột, đây là vải thiều. Nhưng dân trong nghề - những người buôn vải, chủ vườn cho biết, đa số đó là vải lai, vải u trứng giả vải thiều, đánh lừa người tiêu dùng.

Trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), một trong những tuyến đường tập trung đông nhiều điểm bán quả vải tươi, thời điểm này, giá vải thiều bán rong đã giảm so với tuần trước chỉ còn 40.000 – 50.000 đ/kg. Tuy nhiên, đa số chủ hàng khẳng định, đã có vải thiều và vải bán đây là vải thiều đầu mùa, tươi và ngon nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ vườn vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương đều khẳng định: Vải hiện có trên thị trường không phải là vải thiều chính gốc Bắc Giang mà loại “vải lai” trồng ở các địa phương khác. Loại vải này do chín sớm, chất lượng không bằng vải thiều nên nhiều người cứ nói đó là vải thiều để đánh lừa người dân. Theo một chủ vườn vải tại Thanh Hà (Hải Dương) ít nhất phải 1 tuần lễ nữa mới có vải thiều. Còn chắc chắn vào chính vụ thì phải 12 ngày nữa. Các loại vải hiện nay trên đường đều thuộc vải lai, vải u được trồng ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn hay Hòa Bình.

Cũng theo nguồn tin trên, tại thị trường Tp.HCM mặc dù nhiều loại trái cây Trung Quốc bị “Đánh bại” ở kênh siêu thị, cửa hàng, nhưng ở chợ lẻ, sạp trái cây lề đường, trái cây Trung Quốc vẫn “đội lốt” hàng Việt.

Cụ thể, trên nhiều tuyến đường hiện nay mận, đào được bày bán rất nhiều, với lời giới thiệu mận Sơn La, đào Sa Pa,…Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, các mặt hàng như đào SaPa, mận Sơn La xuất hiện khá ít tại Tp.HCM vì giá khá đắt như mận Sơn La đầu mùa hái tại vườn dao động từ 25.000 – 28.000 đ/kg, vận chuyển về tới Hà Nội bán ra ở mức 55.000 đồng/kg loại ngon, trong khi vận chuyển về tới Tp.HCM giá mận Sơn La lên tới 85.000 – 90.000 đ/kg.

Đối với trái xoài, thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu xoài của Việt Nam, ngày 27/5/2016, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã chính thức công bố 16 điều kiện nhập khẩu xoài Việt Nam vào Australia.

Theo đó, trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp cần có giấy phép nhập khẩu hợp lệ do Bộ Nông nghiệp Australia cấp. Muốn có giấy phép, doanh nghiệp nhập khẩu cần nộp đơn xin phép nhập khẩu.

Xoài phải được sản xuất tại Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan. Xoài tươi từ Việt Nam phải được chiếu xạ bắt buộc với liều lượng tối thiểu là 400 Gy tại một cơ sở xử lý được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.

Liều lượng tối đa không được vượt quá 1 kGy theo các quy định của Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia.

Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc phải đi kèm với mỗi lô hàng và phải được hoàn thành một cách chính xác, xem thông tin trên trang web của Tổ chức Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC).

Lô hàng không được có côn trùng và bệnh dịch (trừ những loại mà sẽ bị trung hoà sau khi chiếu xạ). Các lô hàng cũng không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm rác như lá, cành cây, đất, hạt cỏ dại, những mảnh vụn, và các loại thực vật khác.

Lô hàng phải được đóng gói an toàn tại gốc trước khi chiếu xạ. Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến chẳng hạn như rơm. Các thông tin về Mã cơ sở xử lý (TFC) và Số nhận dạng của cơ sở xử lý (TIN) phải được in trên mỗi thùng:

Sản phẩm đã được xử lý phải được bảo vệ khỏi các côn trùng gây hại trong quá trình đóng gói và sau khi đóng gói, xử lý, lưu kho và vận chuyển giữa các địa điểm. Sản phẩm đã được kiểm tra và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải được duy trì trong điều kiện an toàn để không bị lẫn với trái cây xuất khẩu đi các thị trường khác hoặc để tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Container phải được kiểm tra bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập.

Lô hàng phải được kiểm tra bởi các cán bộ an toàn sinh học tại cảng đến đầu tiên. Không được phép chuyển tiếp bằng được hàng không hoặc đường bộ cho đến khi lô hàng được kiểm dịch thông quan.

Nếu bất kỳ vật liệu được phát hiện có nguy cơ rủi ro an toàn sinh học mà không thể xử lý bằng chiếu xạ, lô hàng sẽ bị giữ lại với chi phí do nhà nhập khẩu phải chịu và phải xử lý theo một trong các cách sau: Xử lý thích hợp để giải quyết các rủi ro an toàn sinh học, hoặc xuất khẩu, hoặc tiêu huỷ.

Nguồn: VITIC/tintucnongnghiep.com, VOV.vn

 

Nguồn: Vinanet