Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa hôm nay ghi nhận biến động không đồng nhất giữa các loại. Lúa nếp IR 4625 (tươi) tăng 100 đồng/kg, lên mức 7.600 – 7.800 đồng/kg. Lúa Đài Thơm 8 (tươi) cũng nhích thêm 100 đồng/kg, đạt 6.500 – 6.800 đồng/kg. Tương tự, lúa Nàng Hoa 9 tăng nhẹ, hiện được thu mua từ 6.550 – 6.750 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lúa IR 50404 giảm tới 200 đồng/kg, còn 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 giảm 100 đồng/kg, dao động ở mức 5.900 – 6.100 đồng/kg. Một số giống như OM 18 giữ nguyên mức 6.500 – 6.700 đồng/kg.
Trên thị trường bán lẻ, giá gạo vẫn ổn định: gạo thường dao động 15.000 – 16.000 đồng/kg, các loại gạo thơm như Jasmine, Hương Lài, Nàng Hoa… phổ biến ở mức 18.000 – 22.000 đồng/kg. Riêng gạo đặc sản như Nàng Nhen đạt 28.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu OM 380 tăng nhẹ 50 đồng/kg, lên mức 7.750 – 7.850 đồng/kg. Gạo nguyên liệu OM 5451 và IR 504 ổn định lần lượt ở mức 9.100 – 9.200 đồng/kg và 7.800 – 8.000 đồng/kg.
Mặt hàng phụ phẩm như tấm 3,4 tiếp tục giữ giá ở 6.600 – 6.700 đồng/kg, trong khi cám dao động từ 5.500 – 5.650 đồng/kg. Nhu cầu nội địa tăng nhẹ, cộng với sự trở lại của các doanh nghiệp thu mua sau thời gian tạm ngưng đã góp phần làm ấm dần thị trường gạo vùng Tây Nam Bộ.
Xuất khẩu gạo chững lại, giá bình quân quý I giảm gần 20%
Trên thị trường quốc tế, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện vẫn giữ ở mức 399 USD/tấn, tương đương với gạo Thái Lan cùng loại. Gạo 5% tấm của Ấn Độ và Pakistan thấp hơn, lần lượt ở mức 385 USD/tấn và 391 USD/tấn.
Dù giữ giá trên thị trường, giá trị xuất khẩu gạo quý I/2025 của Việt Nam lại sụt giảm. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 3 tháng đầu năm, nước ta đã xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo, đạt doanh thu 1,14 tỷ USD, tăng nhẹ về lượng nhưng giảm gần 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu bình quân quý I chỉ đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1%, phản ánh áp lực cạnh tranh và ảnh hưởng từ biến động tỷ giá, chi phí logistics và sự thận trọng từ phía khách hàng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Phước Thành IV (Vĩnh Long) cho biết, vùng ĐBSCL đã thu hoạch 65 – 70% lúa vụ đông xuân, nguồn hàng còn lại không nhiều. Trong khi nhiều nông dân chưa vội bán do giá thấp đầu vụ, hàng trong tay thương lái vẫn khá lớn.
Gần đây, các doanh nghiệp được khuyến khích tăng cường thu mua sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc và châu Phi đang quay lại nhập hàng giúp giá có dấu hiệu phục hồi.
Dự báo, giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 4, nhất là từ nửa cuối tháng trở đi, khi nguồn cung giảm và chi phí lưu kho, lãi vay khiến doanh nghiệp phải tính toán kỹ. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thị trường là khả năng Mỹ áp thuế nhập khẩu với gạo Thái Lan, nước hiện xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Nếu điều này xảy ra, gạo Thái có thể tăng giá trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, gạo Việt Nam và Campuchia có thể hưởng lợi, mở rộng thị phần tại Mỹ và các nước châu Mỹ.