Ea Lâm là xã dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Sông Hinh đang vào mùa thu hoạch mía. Năm nay, mía được giá cùng các chính sách hỗ trợ của các nhà máy cao hơn năm trước khiến người dân Ea Lâm hồ hởi chặt mía bán cho nhà máy.
Vui mùa mía ngọt
Gia đình ông Ma Đại năm trước trồng 1,8ha, năm nay mở rộng diện tích lên 2ha. Năm trước bán mía giống cho bà con và mía nguyên liệu cho nhà máy thu lãi hơn 150 triệu đồng; năm nay nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP) thu mua với giá mía 1.350.000 đồng/tấn, gia đình ông Ma Đại thu lãi cao hơn.
Học tập từ nhà ông Ma Đại, nhà ông Y Rô, lần đầu tiên trồng mía, cũng có thu nhập cao ngay trong vụ này. “Năm nay nhà mình cũng làm được 2ha, năng suất cao, giá thì một triệu ba trăm năm mươi ngàn, bà con rất phấn khởi, năm nay ăn Tết rất mừng, bà con chúng tôi rất vui”, ông Y Rô nói.
Cũng như Ma Đại, Y Rô, gia đình ông Ma So Bôn ở buôn Bai, xã Ea Lâm cũng lần đầu tiên trồng 3ha mía. Được sự hỗ trợ đầu tư của Công ty KCP về các khâu giống, làm đất, phân bón chăm sóc và bao tiêu sản phẩm đã đem lại lợi nhuận cho gia đình ông 50-70 triệu đồng/ha.
Đối với ông Ma So Bôn cũng như đa số người dân Ê Đê, xã Ea Lâm, có thu nhập cao từ cây mía là điều chưa bao giờ họ nghĩ tới. Sự đủ đầy của cái Tết năm nay chính nhờ sự quan tâm của Nhà nước, trực tiếp là được sự động viên, hướng dẫn của cán bộ địa phương, cán bộ nông nghiệp huyện bà con đã mạnh dạn bỏ các loại cây trồng khác để trồng cây mía. Nhờ huyện đầu tư công trình thủy lợi, hướng dẫn kỹ thuật; nhà máy bao tiêu sản phẩm, người trồng mía tự tin mở rộng diện tích, đời sống kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên rõ rệt.
Ông Ma So Bôn bày tỏ: “Làm cây mía chi phí nhiều, nếu nông dân mình tự đầu tư là không có vốn ban đầu, làm không được đâu. Nhưng nhờ tỉnh, huyện phối hợp với Công ty KCP hỗ trợ bà con mới làm ăn thuận lợi, Tết này quá vui, quá phấn khởi…”.
Ông Nay Y Lé, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm cho biết, vụ mía 2023-2024, toàn xã Ea Lâm trồng hơn 300ha mía, tăng gấp 10 lần so với niên vụ trước; đến nay đã thu hoạch được khoảng 70 ha, năng suất ước đạt từ 75-90 tấn/ha. Với giá thu mua như hiện nay, mỗi ha mía người dân thu lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng.
Đối với vùng dân tộc thiểu số ba huyện miền núi phía tây tỉnh Phú Yên, lâu nay vốn chỉ quen trồng các loại cây mì, cây đậu, bắp rất bấp bênh, việc chuyển đổi sang trồng cây mía như xã Ea Lâm mang lại hiệu quả cao hơn là bước tiến bộ lớn, khẳng định sự đổi mới trong tư duy sản xuất, thể hiện khát vọng bứt phá vươn lên trong cuộc sống của bà con nông dân.
Ông Nay Y Lé, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm phấn khởi chia sẻ: “Rất vui mừng cây mía phát triển như thế này. Sắp tới chúng tôi tiếp tục vận động người dân khai thác một số diện tích còn lại; phối hợp nhà máy đường của Công ty KCP, vận động để người dân nhận thức được chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đời sống kinh tế nâng lên, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là ở đây góp phần rất lớn vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn.
Xây dựng chuỗi liên kết, tăng khả năng cạnh tranh
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ này, diện tích mía cả nước đạt gần 160.000 ha, tăng 12% so với vụ trước, sản lượng đường cũng tăng khoảng 9%, đạt hơn một triệu tấn. Hiện, hàng loạt công ty mía đường trên cả nước đã thông báo tăng giá mía từ 1,1-1,3 triệu đồng/tấn chưa bao gồm các chi phí hỗ trợ vận chuyển, tăng 6% so với niên vụ trước đó. Đặc biệt, diện tích mía nằm trong chuỗi liên kết giữa nông dân và nhà máy tiếp tục tăng và điều này đã giúp cho người trồng mía giảm bớt gánh nặng về vốn đầu tư cho loại cây trồng này.
Nhằm có nguồn nguyên liệu hoạt động ổn định và tạo sự gắn kết lâu dài với người trồng mía, hiện nay, các nhà máy đường ở khu vực miền trung và Tây Nguyên đều thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu cây mía. Mỗi ha, nhà máy đầu tư từ 20-50 triệu đồng để nông dân trồng mới hoặc chăm sóc mía lưu gốc. Như niên vụ mía năm 2023-2024, hai nhà máy đường tại Phú Yên là Công ty KCP và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã dành hơn 530 tỷ đồng để đầu tư vùng nguyên liệu.
Riêng Công ty KCP niên vụ này đã đầu tư 430 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu mía diện tích 23.000 ha, tập trung tại các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy An… Theo ông Subbaiah Tổng Giám đốc Công ty KCP, vụ ép 2023-2024 đã khai trương cách đây một tháng. Công ty tiếp tục có những chính sách ưu tiên và đãi ngộ cho nông dân như: chính sách hỗ trợ không hoàn lại cho trồng mới, hệ thống tưới tiêu, cơ giới hóa và miễn giảm lãi suất... cho nông dân, ước tính khoảng 60 tỷ đồng; đầu tư 430 tỷ đồng xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 23.000 ha; thực hiện chính sách mua mía với giá 1,33 triệu đồng/tấn mía tại ruộng. Công ty có kế hoạch ép khoảng 1,3 triệu tấn mía cây, sản xuất 130.000 tấn đường. Ngoài đầu tư hai máy thu hoạch mía mang lại hiệu quả, Công ty KCP tiếp tục đầu tư để thu hoạch mía bằng máy thu hoạch liên hợp trong niên vụ mới.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương chủ động rà soát diện tích đất trồng mía, phối hợp với hai nhà máy đường của hai công ty là Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, và Công ty KCP liên kết trực tiếp với người nông dân trồng mía, nhờ đó diện tích mía toàn huyện đã mở rộng từ 4.500ha niên vụ trước, lên 6.500ha ở niên vụ 2023-2024.
“Mỗi héc-ta mía trừ hết chi phí người trồng có lãi thấp nhất từ 30-50 triệu đồng. Với hợp đồng đầu tư, mua bán thuận lợi, cùng sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, cây mía đang trở thành cây trồng hiệu quả góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”, ông Đinh Ngọc Dạn cho biết.
Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, cây mía, định hướng vùng nguyên liệu ổn định khoảng 23.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa,…; năng suất mía bình quân 75-85 tấn/ha. Nâng tỷ lệ giống mía mới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đạt hơn 95% diện tích vùng nguyên liệu.