Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu.... Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm gia vị. Năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm Nghiệp, giá trị xuất khẩu quế - hồi đã liên tục tăng, năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, chiếm hơn 8,3% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả. Năm ngoái đã tăng lên 276 triệu USD. Kết quả này, có vai trò quyết định không nhỏ từ việc chuyển các vùng nguyên liệu sang hữu cơ hoặc hướng hữu cơ.
Đây cũng là đòi hỏi của không ít thị trường hiện nay, bởi đa số các sản phẩm từ cây gia vị sẽ được xắt nhỏ, nghiền bột... và sử dụng ngay để giữ nguyên được hương vị và công dụng. Những vùng nguyên liệu tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật của thế giới cũng đang ngày càng được hình thành ở nhiều địa phương.
Chuyển đổi canh tác hữu cơ cho cây gia vị
Trực tiếp đến các vùng trồng quế tại Cao Bằng, khảo sát và đánh giá chất lượng vỏ quế tươi của các nông hộ - là quy trình bắt buộc của đối tác Hoa Kỳ nhập khẩu các sản phẩm gia vị Việt Nam, kỳ vọng vùng nguyên liệu cần đạt được các tiêu chuẩn canh tác hữu cơ hoàn toàn và bền vững.
Anh Daniel Kelly - Công ty LykosRhiza, Hoa Kỳ cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm đến chất lượng như cần đạt chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ, không nhiễm các loại sinh vật hại hoặc kim loại nặng. Quan trọng nhất là đến tận nơi để xem vùng trồng có được quy hoạch và quản lý tốt hay không, đa dạng sinh học ra sao để đánh giá được mức độ hữu cơ của nông sản".
Hiện huyện Thạch An, tỉnh Cao bằng có gần 1.700 ha trồng quế, hồi. So với canh tác thông thường, sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho bà con. Mỗi kg vỏ quế tươi được thu mua với giá 20.000 đồng.
"Cả khu nàu quế và hồi không bao giờ bón phân, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch. Bà con được tuyên truyền không dùng phân hóa học, kể cả không dùng thuốc chống vắt khi đi rừng", ông Đinh Văn Hoan - huyện Thạch An, Cao Bằng cho hay.
Từ năm ngoái, huyện Thạch An đã phối hợp với doanh nghiệp tập huấn cho bà con nông dân thực hành sản xuất vùng canh tác hữu cơ. Tháng 7, gần 1.400 ha đất trồng quế, hồi trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế theo tiêu chuẩn Nhật, Mỹ và châu Âu. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Thạch An phát triển vùng trồng bền vững theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.
Ông Ngô Thế Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An, Cao Bằng cho biết: "Bà con nhân dân đến thời điểm hiện tại đã có ý thức tốt về nông nghiệp hữu cơ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp đón tổ chức hợp tác quốc tế của Hàn Quốc hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và có những đầu tư thông qua các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sâu".
Không chỉ cây quế và hồi, huyện Thạch An đặt mục tiêu đến năm 2050, sẽ chuyển đổi phần lớn cây trồng mũi nhọn sang hướng sản xuất hoàn toàn hữu cơ, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Đồng thời, phối hợp và tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp hoặc các tổ chức để xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn, đảm bảo đầu ra cho nông dân.
Liên kết chuỗi giá trị sản xuất gia vị hữu cơ
Với diện tích đất nông nghiệp lớn, cùng nền khí hậu đặc trưng, các tỉnh phía Bắc nước ta có nhiều lợi thế để phát triển các cây gia vị. Nhưng trên thực tế, trình độ tổ chức sản xuất của nông dân tại đây lại chưa cao. Vì thế, các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ sẽ hỗ trợ xây dựng các vùng trồng gia vị đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và đảm bảo bao tiêu sản phẩm làm ra.
Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa với 6 mô hình cấp tỉnh, 57 mô hình liên kết cấp huyện. Đồng thời, thực hiện rà soát các diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp và dự kiến các vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng được liên kết, nhưng đảm bảo được chất lượng của chuỗi liên kết đó lại là vấn đề khác. Nếu vùng trồng thực hiện nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn, bà con sẽ an tâm đảm bảo được đầu ra. Về phía các nhà sản xuất cũng phải tuân theo các quy định chất lượng khi bảo quản, chế biến để giữ nguyên được hương vị và hoạt chất có trong cây gia vị.
Anh Nguyễn Thành Trung - Quản lý Sản xuất, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường DACE cho biết: "Yêu cầu từ thu hái đến đưa về nơi sản xuất chỉ trong ngày. Từ vùng nguyên liệu đến nhà máy không được nhiễm hóa chất nào. Phải kiểm soát nguyên liệu đầu vào, bao bì, xe vận chuyển và toàn bị quá trình nhập".
"Quản lý chuỗi cung ứng theo mô hình liên kết sâu với nhà cung cấp như nông hộ và hợp tác xã là yếu tố tiên quyết. Khi nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn mới đảm bảo mức độ tuân thủ trong các quy trình chế biến", bà Hoàng Lê Trang - Quản lý dự án, Tổ chức Oxfam Việt Nam cho biết.
Với các mô hình liên kết này, tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản hữu cơ mở rộng thị trường.