Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tại Kon Tum cho biết, số hộ dân tham gia dự án là 4.530 hộ/4.1267 ha, trong đó sản xuất cà phê bền vững là 3.119 hộ/3.388 ha; tái canh cà phê bền vững là 1.411 hộ/738,7 ha. Ngoài ra, VnSAT Kon Tum còn hỗ trợ thành lập được 41,6 ha mô hình sản xuất và tái canh cà phê bền vững với 73 hộ dân tham gia.
Bên cạnh đó 2 vườn ươm tư nhân và 1 vườn ươm nhà nước được VnSAT Kon Tum hỗ trợ nâng cấp và được cấp giấy chứng nhận cây giống cà phê đạt chuẩn (theo quy trình của Bộ NN-PTNT ban hành) để phục vụ nhu cầu trồng mới và tái canh cà phê cho người dân.
Người dân ngày càng chú trong đến sản xuất cà phê bền vững.
Về hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, VnSAT đã lắp đặt và đi vào vận hành được 89,4 ha với 65 hộ dân thuộc 2 HTX Nông nghiệp, sản xuất - Thương mại Sáu Nhung, HTX Công Bằng Pô Kô và 2 Tổ hợp tác Phát triển cà phê bền vững Bình Minh và Liên Kết trên địa bàn huyện Đăk Hà.
Dự án VnSAT đã và đang làm thay đổi nhận thức của người nông dân trồng cà phê KonTum trong việc tổ chức sản xuất, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị và tăng lợi nhuận trên từng ha cà phê tiến tới sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê hữu cơ.
Cùng với đó, VnSAT cũng đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp Công Bằng PôKô lắp đặt hệ thống thiết bị sơ chế cà phê quả tươi với công suất 5-6 tấn/giờ; Hệ thống tách hạt cà phê nhân khô qua sàng với công suất 5-7 tấn/giờ; Hỗ trợ Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Đăk Mar hệ thống thiết bị sơ chế cà phê quả tươi, công suất 2-3 tấn/giờ.
Thông qua vườn ươm, người dân Kon Tum đã tiêp cận được nhiều giống cà phê chất lượng.
Nhằm hỗ trợ người dân đẩy mạnh tái canh cà phê bền vững, VnSAT Kon Tum đã cung cấp số hộ cần vay vốn và tổng diện tích tái canh cà phê cho các ngân hàng BIDV, Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Sacombank…Đến nay đã giải ngân cho 14 hộ/25,6 ha với số tiền cho vay 2,58 tỷ đồng.
Trong năm 2021-2022, Dự án VnSAT Kon Tum tiếp tục thực hiện 2 tiểu dự án: “Tiểu dự án nâng cấp hệ thống đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững liên kết xã Đăk La - Ngọc Wang - Đăk Ui - Đăk Long” và “Tiểu dự án nâng cấp hệ thống đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững liên kết xã Hà Mòn” thuộc huyện Đăk Hà. Theo đó có 8 tuyến đường giao thông nội đồng sẽ được xây dựng với tổng chiều dài 41,46 km. Tổng kinh phí xây dựng các tuyến đường khoảng hơn 60 tỷ đồng.
Tất cả các tiểu dự án cơ sở hạ tầng đều được Ban Quản lý dự án tập huấn sản xuất, và tái canh cà phê bền vững theo yêu cầu của Dự án, bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Kon Tum chia sẻ.

Tại Kon Tum, có 17 tổ chức nông dân được được tập huấn nâng cao năng lực tổ chức và quản lý. Các tổ chức này đã liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, phân bón và bao tiêu sản phẩm cà phê cho nông dân. Cụ thể như: HTX Nông nghiệp công bằng Pô Kô, HTX sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, HTX Nông nghiệp Công Bằng Măng Đen, Tổ hợp tác sản xuất và thu mua nông sản phụ xã Măng Cành, Tổ hợp tác phát triển cà phê bền vững Đăk Mar Xanh.

Các đơn vị này đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê tươi và cà phê nhân khô cho nông dân với các doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng, doanh nghiệp Duy Trung, Cty TNHH cà phê Tropico Tây Nguyên… Nhờ đó, sản phẩm cà phê sau thu hoạch của tất cả các thành viên trong các tổ chức nông dân được tiêu thụ không bị thương lái ép giá, sản phẩm cà phê đạt chất lượng cao hơn. Từ đó, nâng cao giá trị của cây cà phê, góp phần phát triển ngành hàng cà phê bền vững tại Việt Nam.

Nguồn: Tuấn Anh/Nông nghiệp Việt Nam