Xuất khẩu cà phê tăng tốc, tiến gần đến kỷ lục 4 tỷ USD
Thời gian gần đây, biến động tỷ giá USD so với các đồng tiền khác và lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu đã làm gia tăng lo ngại nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ sụt giảm khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Tuy nhiên, số liệu mới đây của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng cao bất chấp triển vọng kém khả quan của nền kinh tế toàn cầu.
Trong tháng 11, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu đạt 128.403 tấn với trị giá 304,4 triệu USD, tăng 60,8% về lượng và tăng 47,1% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 19,7% về lượng và 25,4% về trị giá.
Đà tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới 2022-2023 và nhu cầu từ các thị trường lớn vẫn ở mức cao.
Như vậy, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cà phê đã đạt 1,58 triệu tấn với kim ngạch thu về hơn 3,63 tỷ USD, tăng 13,4% về lượng và tăng 34,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sau 11 tháng đã vượt 556 triệu USD so với 3,07 tỷ USD của năm 2021 và tiến gần mức kỷ lục 4 tỷ USD mà ngành cà phê hướng đến trong năm nay.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Về thị trường tiêu thụ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng qua với khối lượng đạt 616.972 tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ và chiếm 39% tỷ trọng xuất khẩu.
Đứng thứ hai về thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng qua là thị trường Mỹ với khối lượng đạt 109.581 tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo gồm Nhật Bản đạt 99.622 tấn (+1,2%), Nga 92.951 tấn (+26,6%), Philippines 47.764 tấn (-1,5%), Anh 40.448 tấn (+51,2%)…
Liên quan đến thị trường EU, ngày 6/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê.
Đây được xem là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với Việt Nam. Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 vừa qua, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nếu năm 2011 khối lượng cà phê có chứng chỉ bền vững chỉ chiếm khoảng 10%, nay đã đạt từ 40 - 50%.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Xuất khẩu cà phê sẽ duy trì xu hướng tích cực trong năm 2023?
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2023 được cho là vẫn duy trì xu hướng tích cực nhờ những yếu tố như giá cà phê đã hạ nhiệt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu vẫn tiếp diễn.
Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 12/12, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch London đã giảm 19% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 8, xuống còn 1.884 USD/tấn.
Số liệu tổng hợp. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Tương tự, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn giao dịch New York cũng giảm tới 32% so với cách đây ba tháng, hiện chỉ còn 158 US cent/pound.
Số liệu tổng hợp. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Tại Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 11 tháng tăng 18,7% so với cùng kỳ lên mức bình quân 2.297 USD/tấn. Tuy nhiên, trong tháng 11 giá đã giảm 8,5% so với tháng trước xuống còn 2.371 USD/tấn.
Trong nước, người trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên đang thu hoạch vụ mùa 2022 – 2023 với mức giá dao động trong khoảng 40.000 – 40.800 đồng/kg tại thời điểm ngày 12/12, giảm 1,2 – 1,7% so với đầu tháng 11 và thấp hơn 1,4 – 1,9% so với cùng kỳ năm 2021. Mức giá này cũng giảm 20% so với mức đỉnh gần 51.000 đồng/kg đạt được vào cuối tháng 8.
Giá cà phê giảm trong thời gian gần đây sẽ giúp cho người tiêu dùng có thể tiếp cận cà phê với giá thấp hơn, nhưng lại gây áp lực cho người sản xuất khi chi phí nhân công và phân bón tăng cao.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu có khả năng tăng từ 1-2% mỗi năm cho đến năm 2030, tương đương 25 triệu bao 60kg trong tám năm tới, theo Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), bà Vanusia Nogueira.
Mặc dù vậy, đại diện của ICO cho biết cơ quan này đang thận trọng hơn đối với một dự báo ngắn hạn, khi đề cập đến tất cả các sự kiện mà thế giới đang phải đối mặt, bao gồm cả lạm phát cao ở châu Âu.
Trả lời Bloomberg, bà Vanusia Nogueira nhận định ngành cà phê toàn cầu sẽ đạt được sự cân bằng về cung và cầu trong 2 - 3 năm tới để thoát khỏi tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện tại.
Thế giới cần nhiều cà phê arabica và robusta hơn nhưng triển vọng tăng sản lượng và nhu cầu cà phê robusta sẽ cao hơn. Các nhà sản xuất cà phê arabica truyền thống đang cố gắng chuyển sang trồng cà phê robusta khi trái đất nóng lên, trong khi các nhà rang xay cũng cố gắng thêm cà phê robusta có giá rẻ hơn vào công thức pha trộn cà phê.
Nhiều thị trường đang tìm kiếm cà phê robusta đặc sản. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tiến hành mở rộng sang sản xuất cà phê robusta chất lượng cao và cho thành quả “khá tốt”.
Trong báo cáo mới đây của ICO, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 được dự báo ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ được dự báo tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60 kg. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng điều chỉnh hạ dự báo sản lượng của các quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu như Brazil, Việt Nam và Colombia do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất.
Với Brazil, USDA đã cắt giảm dự báo sản lượng niên vụ 2022-2023 của nước này xuống còn 62,6 triệu bao, giảm 1,7 triệu bao so với báo cáo hồi tháng 6 nhưng vẫn tăng 4,5 triệu bao so với niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê của Brazil được điều chỉnh giảm 3 triệu bao so với niên vụ 2021-2022, xuống còn 36,6 triệu bao, mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây do sản lượng thấp hơn dự kiến và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.
ẢTại Colombia, sản lượng được dự báo sẽ giảm 3,1% so với báo cáo trước đó, về mức 12,6 triệu bao và xuất khẩu cũng bị cắt giảm 2,3% so với dự báo trước.
Sản lượng cà phê của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới cũng được điều chỉnh giảm 2,2% so với dự báo trước và giảm hơn 4% so với niên vụ 2021-2022, ở mức 30,2 triệu bao. Xuất khẩu ước tính giảm nhẹ xuống còn 27,6 triệu bao so với 27,7 triệu bao của niên vụ trước.
USDA cho rằng khoảng cách ngày càng lớn giữa giá của arabica so với robusta, cũng như robusta của Việt Nam so với các nước khác, sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ mới.
Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 diễn ra ngày 11/12, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao (VICOFA) cho biết sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 – 2022, đạt khoảng 1,47 triệu tấn.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
“Đầu tháng 10 đã có hàng vụ mới nhưng việc thu hái, phơi sấy diễn ra chậm do thời tiết mưa nhiều, liên tục trong giai đoạn này. Chất lượng hạt cà cũng có thể bị ảnh hưởng, lượng cà nâu nhiều”, ông Nam cho biết.
Trong khi đó, chi phí nhân công thu hái ngày càng tăng cao do thiếu lao động tại địa phương, phải thuê lao động tại các vùng khác đến. Chi phí phân bón vẫn đang ở mức cao. Với các nhà máy, chi phí vận hành chế biến và sản xuất thành phẩm tiếp tục tăng.
Ngoài ra, lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng cho vay cũng tăng, hạn mức tín dụng giảm có thể tạo ra những áp lực về nguồn tài chính cho nông dân và các đại lý xuất khẩu.