Trao đổi với Thanh Niên ngày 23.8, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết trong số mặt hàng thủy sản chủ lực Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, tôm và các sản phẩm từ tôm đang chiếm thị phần nhiều nhất, sau đó là các sản phẩm khác như cá tra, cá basa, cá ngừ đại dương…
Đặc biệt, tôm Việt Nam đang chiếm thị phần cao nhất trong số những quốc gia xuất khẩu tôm vào Nhật Bản.
Trước đó, năm 2021, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất vào thị trường Nhật Bản khi chiếm 22,3% thị phần. Nhưng đến năm 2022, tôm Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ khi chiếm 20% thị phần, Ấn Độ tụt xuống vị trí thứ 2 với hơn 19% thị phần.
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Nhật Bản chi ra 256 triệu USD để mua tôm Việt Nam, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3 năm nay.
Trong 3 nhóm sản phẩm tôm chính xuất khẩu sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 63,5%; tôm sú chiếm 17,9%; còn lại là tôm loại khác với 18,6%.
Tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp với tôm Ấn Độ, Thái Lan. Trong đó, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất vào thị trường Nhật Bản, chiếm 23,7% thị phần; đứng thứ hai là Thái Lan, chiếm 17,7% thị phần. Ấn Độ tụt xuống vị trí thứ tư, chiếm 14,5% thị phần.
Ông Tạ Đức Minh thông tin, Nhật Bản là một trong những quốc gia có mức tiêu dùng thủy sản cao trên thế giới. Theo thống kê, mức tiêu dùng bình quân sản phẩm thủy sản của một người Nhật Bản là 128 g/ngày, Trung Quốc là 106 g/ngày, Tây Ban Nha là 116 gram/ngày, Pháp là 94 gram/ngày, Hàn Quốc là 224 gram/ngày, Thụy Điển là 90 gram/ngày, Hà Lan là 60 gram/ngày.
Theo phân tích từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản giảm mạnh ở một số mặt hàng chủ lực: tôm chân trắng giảm 35%, cá hồi giảm 4%, bạch tuộc giảm 6% nhưng lại tăng chủ yếu ở các mặt hàng hải sản khai thác như mực, cá nục, cá minh thái, cá ngừ, cá sòng, tăng từ 13 - 88%.
"Thị phần hàng thủy sản của Việt Nam trong thị trường Nhật không ngừng tăng lên dù lượng nhập khẩu thủy hải sản của Nhật Bản cũng luôn tăng đáng kể. Dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu thủy hải sản chế biến của Nhật Bản từ thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và chủ lực vẫn sẽ tập trung ở sản phẩm tôm xuất khẩu và các sản phẩm chế biến từ tôm", ông Minh nhận định.
Khẳng định Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam, ông Tạ Đức Minh khuyến cáo, khi đưa sản phẩm vào thị trường Nhật Bản, việc đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật gắt gao là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi các sản phẩm nếu bị kiểm tra có tồn dư chất kháng sinh vượt ngưỡng quy định hay sản phẩm bị chiếu xạ đều bị phía Nhật Bản cấm nhập khẩu.
"Khi Nhật Bản kiểm tra, nếu phát hiện lô hàng có vi phạm, họ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm tra chặt chẽ trong những lần sau, thậm chí sẽ nâng mức độ kiểm soát có thể lên tới kiểm tra 100% cho toàn bộ lô hàng nhập khẩu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt hại, mất nhiều thời gian hơn để lấy được hàng, tốn kém thêm chi phí lưu kho và ảnh hưởng đến thời gian bán hàng", ông Minh cảnh báo.