Theo trang mạng abc.net.au, vụ thu hoạch bông của Australia đã bắt đầu, giữa bối cảnh ngành này đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế sau hai năm rưỡi kể từ lệnh cấm thương mại của Trung Quốc.
Hiện tại, bông trồng ở Australia được xuất khẩu đến 15 quốc gia khác nhau để chế biến, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Trước đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của bông Australia. Tuy nhiên, sau những tranh cãi giữa Australia và Trung Quốc hồi năm 2020 - khi các nhà xuất khẩu Australia bị áp thuế - ngành công nghiệp này của Australia bắt đầu nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với các quốc gia khác.
Giờ đây, các thương nhân trong ngành sản xuất bông đang tìm đến ngành dệt may Việt Nam để đảm bảo thương mại trong tương lai. Hiệp hội các chủ hàng bông Australia (ACSA), đại diện cho các thương nhân bông, gần đây đã cử một phái đoàn đến Việt Nam và Thái Lan. Chủ tịch ACSA Matthew Bradd cho biết: "Mục đích của việc tới hai quốc gia này là để quảng bá bông Australia, các thuộc tính của chúng tôi, khả năng vận chuyển nhanh chóng của chúng tôi".
Vị trí gần các thị trường châu Á mang lại cho Australia lợi thế cạnh tranh so với các nhà xuất khẩu bông hàng đầu khác như Mỹ và Brazil. Ông Bradd nói: "Bạn có thể chuyển hàng đến Việt Nam trong khoảng 21 ngày, trong khi đến Mỹ và Brazil lâu hơn nhiều".
ACSA đang xem xét các lựa chọn để quảng bá bông Australia theo nhiều cách khác nhau, trong đó có việc trưng bày quần áo làm từ bông Australia tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam. Ông Bradd cho biết ACSA đang làm việc với các nhà kéo sợi Việt Nam để tận dụng tối đa việc kéo sợi và nhuộm sợi bông của Australia.
Ông cũng cho hay bông của Australia chủ yếu được tưới tiêu, nên có chất xơ phù hợp để chế biến hơn. Ông Bradd nói: "Các nhà máy kéo sợi nhận thấy bông Australia hiệu quả hơn khi đưa vào quy trình kéo sợi. Họ sẽ thu được nhiều sản lượng hơn từ việc sử dụng bông Australia".
Năm nay, miền Trung Queensland là nơi thu hoạch đầu tiên, với những người hái bông bắt đầu tại các cánh đồng được tưới tiêu trên khắp khu vực. Kim Stevens, cán bộ khuyến nông của Cotton Info, cho biết mưa đầu năm nay đã gây ra vấn đề rụng trái nên người trồng đang đợi bông ra nhiều hơn để thu hoạch.
Bà Kim Stevens nói: "Thông thường, việc chọn hàng diễn ra khá suôn sẻ, nhưng chúng tôi chỉ thấy một số lượng nhỏ những người chọn hàng bắt đầu hoạt động trong vài tuần qua. Có lẽ việc thu hoạch sẽ không thực sự bận rộn cho đến tháng Năm hoặc tháng Sáu".
Ngay cả khi thời tiết ẩm ướt gây ra các vấn đề, một vụ mùa bội thu khác vẫn được cho là có khả năng diễn ra. Adam Kay - Giám đốc điều hành Cotton Australia - cho biết có khoảng 5,2 triệu kiện hàng dự kiến sẽ được sản xuất trong mùa này. Năm ngoái, những người trồng bông ở Australia đã sản xuất mức kỷ lục là 5,5 triệu kiện.
Theo một hiệp định thương mại tự do gần đây, Australia có thể gửi bông miễn thuế đến Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ là nhà sản xuất bông lớn thứ hai thế giới, song quốc gia Nam Á này lại là điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của Australia, với hạn ngạch hiện tại là 300.000 kiện. Ông Bradd nói: "Chúng tôi đã coi họ là một thị trường cơ hội. Họ đã có vụ mùa của riêng mình ở đó. Họ là một trong những nước trồng bông lớn nhất thế giới [nhưng] đôi khi họ sẽ cần nhập khẩu. Hiệp định thương mại tự do là tốt, giúp chúng tôi vượt lên trên các thị trường khác".
Ông Kay cho biết việc mất đi thị trường Trung Quốc đã buộc ngành này phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình: "Trung Quốc chiếm 70% thị trường của chúng tôi. Lệnh cấm thương mại cho chúng tôi thấy thị trường của mình chưa đủ đa dạng. Ngay cả khi Trung Quốc quay trở lại thị trường, hy vọng chúng tôi vẫn có thể duy trì tất cả các thị trường hiện có. Điều quan trọng là phải có những lựa chọn đó. Tuy nhiên, mất thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc mất giá cao".
Ông Bradd nói: "Hiện tại, chúng tôi đang chứng kiến sự quay trở lại của loại bông này khi các nhà máy và thị trường khác biết đến bông Australia và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua".
Ngành công nghiệp bông đang hoạt động theo cách người nông dân bán nó cho các thương nhân, sau đó những thương nhân này bán nó cho các nhà máy kéo sợi, những nhà máy này sẽ tìm kiếm mức giá cao nhất. Cấu trúc hoạt động này có thể dẫn đến việc Trung Quốc tiếp tục trở thành thị trường xuất khẩu lớn của bông Australia nếu lệnh cấm được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, ông Bradd cho biết, vẫn có cơ hội để duy trì sự đa dạng thị trường bông. Ông nói: "Có thể đã có sự thay đổi trong một số chuỗi cung ứng khi mà các thương hiệu và nhà bán lẻ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ... Chúng tôi cũng có rất nhiều nhà máy đang tìm mua 100% bông Australia"./.

Nguồn: Thanh Tú (P/V TTXVN Tại Sydney)/BNEWS