Hội thảo trực tuyến Ngũ cốc toàn cầu diễn ra vào hôm thứ Ba đã đặt vấn đề về xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu lương thực Mỹ của Trung Quốc, điều này sẽ siết chặt tồn kho ngô Mỹ và khiến cho nguồn cung nước này bị thu hẹp. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực, trong khi đó sản lượng của Ukraine – quốc gia xuất khẩu ngô chủ đạo cho Trung Quốc trong những năm gần đây - giảm mạnh so với sự kiến. Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ ngô năm nay ở mức 10%, giảm 2.5% so với năm ngoái. Những tin đồn về việc Trung Quốc tiếp tục có những đơn hàng mới khiến thị trường quan ngại về nguồn cung eo hẹp và sẽ giúp hỗ trợ giá ngô trong thời gian tới.

Đồng thời tại Brazil, nhu cầu trong nước tăng cùng với diễn biến thời tiết bất lợi tại các vùng gieo trồng chính khiến cho viễn cảnh giá ngô tại đây tăng mạnh trở nên rất thực tế. Các bang Mato Grosso, Parana và Rio Grande do Sul chịu thiệt hại nặng nề bởi thời tiết khô hạn. Trong báo cáo tháng 11, Cơ quan Cung ứng quốc gia Brazil (Conab) cho biết, sản lượng ngô vụ 2 của nước này dự kiến sẽ đạt 76.8 triệu tấn, giảm 200,000 tấn so với tháng 10. Và với mô hình thời tiết La Nina nhiều khả năng kéo dài sang đầu năm sau, nông dân Brazil rất có thể sẽ không vội bán mà giữ hàng nhằm đẩy giá cao hơn. Đây có thể là các thông tin dẫn dắt giúp giá ngô có thể vượt qua ngưỡng kháng cự 420.

Về mặt kỹ thuật, giá hiện đang tích lũy trong khoảng 418 – 420 và có xu hướng tăng nhẹ. Khoảng gapup tại mức giá 417 trùng với ngưỡng Fibonacci 0.236 và có khả năng trở thành mức hỗ trợ tốt cho giá ngô. Chỉ số Stochastic RSI đang ở vùng quá mua trên khung H4, tuy nhiên chưa có dấu hiệu sức mua đang suy giảm.

 Còn trên khung H1, hiện tượng “thắt nút cổ chai” Bollinger Bands báo hiệu sắp có biến động giá mạnh trong tương lai sau một thời gian giá tích lũy sideway. Với sự hỗ trợ của nhiều yếu tố “bullish” hiện nay, rất có khả năng giá sẽ phá vỡ được ngưỡng 420 trong hôm nay.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)