Trong báo cáo Export Sales mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), doanh số bán hàng ngô niên vụ 23/24 trong tuần trước chỉ đạt 566.857 tấn, giảm 24,7% so với tuần trước đó. Đáng chú ý, sự sụt giảm trên không đến từ những đối tác quan trọng như Mexcico hay Nhật Bản mà chủ yếu là do các lô hàng sang Trung Quốc sụt giảm (102.700 nghìn tấn). Tính đến hết ngày 14/09, lũy kế bán hàng ngô niên vụ 23/24 mới chỉ đạt 11,73 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 12,4 triệu tấn cùng kỳ năm 2022 và mức 24,9 triệu tấn của năm 2021. Các số liệu trên càng củng cố thêm nhu cầu quốc tế đối với ngô Mỹ đang suy yếu, đặc biệt là Trung Quốc khi mà quốc gia nhập khẩu hàng đầu thế giới tìm đến nguồn cung Nam Mỹ nhiều hơn nhờ mức giá hấp dẫn.
Tại Mỹ, giá các loại hàng hóa, trong đó có ngô đang phải chịu áp lực từ việc đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao. Đối với tiêu thụ nội địa, nhu cầu ngô cũng đang có dấu hiệu kém tích cực. Tồn kho ethanol trong tuần trước đã tăng mạnh trở lại và chạm mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua trong khi sản lượng hàng ngày sụt giảm xuống dưới mốc 1 triệu thùng, mức sản lượng được duy trì trong 3 tháng trở lại đây. Nhìn chung, trong trung hạn, giá ngô CBOT sẽ chịu sức ép mạnh mẽ nếu nhu cầu tiêu thụ không có sự cải thiện.
Giá cà phê vẫn có thể giảm do nguồn cung tích cực tại Brazil
Kết phiên 21/9, giá 2 mặt hàng cà phê tiếp tục giảm sâu sau báo cáo mùa vụ cà phê lần 3 của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB). Đơn vị này ước tính sản lượng cà phê trong năm 2023 của Brazil ở mức 54,36 triệu bao, tăng 6,8% so với năm trước và là mức cao thứ 3 trong 10 năm. Bên cạnh đó, gia tăng chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng nội tệ của Brazil đã thúc đẩy lực bán từ nông dân nước này và đưa đến kỳ vọng tích cực hơn về xuất khẩu.
Kết phiên hôm qua, không có bao cà phê Arabica nào được phân loại bổ sung vào kho đạt chuẩn và cũng không có sự tiêu thụ nào diễn ra, do đó tổng lượng Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giữ nguyên tại mức 440.853 so với phiên hôm trước. Tuy nhiên, số bao chờ phân loại đã tăng thêm 2.560 bao lên mức 15.391 bao và tất cả nguồn cung đều đến từ Brazil thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại quốc gia này. Số bao chờ phân loại tăng lên sẽ là tín hiệu tích cực cho việc mở rộng tồn kho đạt chuẩn trong thời gian tới, củng cố thêm kỳ vọng đảm bảo đủ nguồn cung cà phê trên thị trường.
Khác biệt trong điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB) có thể khiến tỷ giá USD/Brazil Real nới lỏng trong thời gian tới, từ đó kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil khi thu về nhiều nội tệ hơn. Theo đó, FED dự kiến sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đến hết năm 2024 và sẽ có 1 đợt tăng lãi suất tiếp theo trong năm 2023 với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong khi, BCB dự kiến sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Các chuyên gia về cà phê tại Brazil dự đoán xuất khẩu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cho đến hết tháng 11 và tháng 8 sẽ không phải là tháng có mức xuất khẩu cao nhất.
Giá kim loại quý có thể phục hồi trước dữ liệu PMI của Mỹ
Thị trường kim loại quý phục hồi trong phiên sáng sau phiên lao dốc mạnh trước đó. Nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục được thúc đẩy trong bối cảnh Mỹ đang phải đối diện với rủi ro đóng cửa chính phủ chỉ sau 10 ngày, và 3 nhà sản xuất ô tô của Detroit cùng với công đoàn đại diện cho các công ty tại Mỹ đã bước vào những giờ cuối cùng để đạt được các thỏa thuận lao động mới trước khi cuộc đình công hiện tại mở rộng sang nhiều nhà máy hơn.
Vào tối nay, thị trường sẽ hướng tâm điểm chú ý đến báo cáo chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Mỹ. Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bang Philadelphia đã báo cáo hoạt động sản xuất tại khu vực suy yếu trong tháng 9, với chỉ số sản xuất Fed Philadelphia giảm xuống mức âm 13 điểm, từ mức dương 12 điểm trong tháng trước.
Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình đình công căng thẳng kéo dài tại các nhà máy sản xuất ô tô lớn, bao gồm Ford, General Motors (GM) và Stellantis, đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng như đe dọa làm giảm tốc đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều khả năng dữ liệu PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 9 có thể suy yếu. Đồng USD có thể sẽ áp lực và hỗ trợ giá kim loại quý.
Giá dầu có thể biến động giằng co trong phiên cuối tuần
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch sáng nay với lực mua chiếm ưu thế, khi thị trường tiếp tục phản ứng với thông tin Nga tạm thời cấm xuất khẩu dầu diesel và gasoil nhằm nỗ lực đáp ứng nguồn cung thiếu hụt trong nước. Nhiều khả năng thông tin này vẫn sẽ tác động hỗ trợ giá dầu trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, đà tăng cũng sẽ hạn chế hơn trước các rủi ro kinh tế vĩ mô.
Quyết định cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng của Nga có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu trước mùa đông. Điều này một phần là hệ quả của việc nguồn cung thắt chặt đẩy giá nhiên liệu tăng cao và buộc Nga phải bảo vệ giá nhiên liệu trong nước. Tác động sẽ sâu đến mức nào phụ thuộc vào việc nó kéo dài bao lâu.
Saudi Arabia và Nga đã cắt giảm nguồn cung dầu vốn giàu lượng sản xuất diesel hơn. Tồn kho dầu diesel ở các nước OECD hiện ở dưới 300.000 thùng/ngày, duy trì ở mức thấp nhất trong năm nay, thấp hơn bình thường xét theo mùa và thấp hơn so với mức trung bình 5 năm.
Trung Quốc - một van cứu trợ nguồn cung tiềm năng khác - gần đây đã ban hành hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mới, nhưng các thương nhân và nhà phân tích ở châu Á cho biết khối lượng hiện đang được lên kế hoạch sẽ không đủ để ngăn chặn thị trường thắt chặt cho đến cuối năm nay.
Sự thiếu hụt nguồn cung dầu diesel sẽ khiến cho nhiều nhà máy lọc dầu ở thị trường khác phải gia tăng công suất và hỗ trợ giá dầu, nhất là trong bối cảnh nguồn cung dầu thô vẫn đang còn hạn chế.
Tuy nhiên, đang có một yếu tố khác gây áp lực lên giá dầu, đó là chính sách tiền tệ và tài khoá của Mỹ. Fed có thể sẽ tăng lãi suất 1 lần nữa trong năm nay, và sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn trước khi cắt giảm. Điều đó sẽ tạo ra rủi ro cho nền kinh tế.
Ngoài ra, vấn đề nợ công của Mỹ một lần nữa ‘nóng’ trở lại. Đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã chống lại việc thông qua dự luận chi tiêu của Chủ tịch Hạ viện McCarthy, trong một nỗ lực để tìm kiếm điểm chung về luật nhằm ngăn chặn việc Chính phủ đóng cửa bắt đầu vào ngày 1/10. Vào hồi tháng 5 năm nay, rủi ro vỡ nợ cũng đã từng đẩy giá dầu xuống mức thấp.