Giá ngô CBOT sẽ tiếp tục chịu áp lực bán trong trung hạn do cạnh tranh từ nguồn cung của Brazil
Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/08, giá ngô đang tăng nhẹ trở lại nhờ lực mua kĩ thuật của vùng gapup trong nhịp tăng trước đó. Các thông tin cơ bản vẫn đang thiên về tính “bearish” và trong tuần này giá ngô vẫn có khả năng sẽ tiếp tục suy yếu. Xét về mặt kĩ thuật, giá ngô đang điều chỉnh sau đà tăng liên tục tuần trước do những kỳ vọng đối với báo cáo Cung – cầu tháng 8. Vùng hỗ trợ gần nhất là ở khoảng 580 – 590 nên nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế bán mới ở những khoảng thời gian lực mua được đẩy mạnh khi giá hồi phục nhẹ trong phiên.
Tối nay, EIA sẽ công bố báo cáo cho thấy nhu cầu sử dụng ethanol trong tuần vừa rồi. Sản lượng ethanol trong giai đoạn gần đây vẫn đang duy trì ở trên mức 1 triệu thùng/ ngày mặc dù ghi nhận mức thay đổi khá lớn giữa các tuần. Tuy nhiên, trong báo cáo Cung – cầu vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã cắt giảm tiêu thụ ngô niên vụ 21/22 trong ngành công nghiệp ethanol xuống 25 triệu giạ. Điều này cho thấy mặc dù vẫn duy trì ở mức cao nhưng sản lượng ethanol vẫn đang ở dưới mức kì vọng. Do chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc niên vụ hiện tại nên nếu như số liệu sản lượng chỉ tăng nhẹ thì yếu tố này cũng sẽ khó có thể làm thay đổi ước tính của cả niên vụ. Chính vì thế nên báo cáo của EIA tối nay sẽ không mang nhiều tác động “bullish” tới giá ngô.
Nếu như nhu cầu sản xuất ethanol đang khá trung lập thì triển vọng xuất khẩu lại cho thấy tình hình nguồn cung từ Mỹ đang bị cạnh tranh cao hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn cây trồng đang bước vào thời kì trưởng thành, chuẩn bị thu hoạch vào đầu tháng 9 tới. Sau khi thu hoạch, giai đoạn cuối năm thường là thời điểm xuất khẩu được đẩy mạnh nhất của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của Mỹ đang thúc đẩy mua hàng nhiều hơn từ Brazil cho thấy bán hàng năm nay của Mỹ có thể sẽ suy giảm. Đây sẽ là yếu tố tạo sức ép lên giá trong trung hạn.

Nguồn cung nới lỏng được kỳ vọng sẽ khiến cà phê duy trì đà giảm trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 16/08, 2 mặt hàng cà phê đồng loạt giảm, trong đó Arabica giảm mạnh hơn 2% do tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US bất ngờ bật tăng sau hơn 2 tháng giảm mạnh liên tiếp đã phần nào giảm bớt những lo ngại về nguồn cung ở thời điểm hiện tại.
Báo cáo tồn kho Arabica trên Sở ICE US đã có sự cải thiện sau hơn 2 tháng giảm liên tục, cụ thể tồn kho trong ngày hôm qua đã tăng hơn 5,632 bao loại 60k và số lượng này dự kiến sẽ tiếp tục được bổ sung khi các thương nhân đang có gắng phân loại lại số lượng lớn gần 263,259 bao, vốn đã được Brazil giao cho ICE từ 11/2020 – 05/2021, để quay trở lại các kho lưu trữ. Mặc dù việc phân loại lại này gây ra nhiều tranh cãi và lo lắng về chất lượng của cà phê, đây cũng là một giải pháp hữu hiệu để bù đắp những thiếu hụt về nguồn cung ở thời điểm hiện tại khi tồn kho đã cán mức thấp nhất trong vòng 23 năm trở lại đây.
Tồn kho cà phê nhân tại các cảng ở Mỹ vào cuối tháng 07 tăng lên 6.22 triệu tấn và là lần tăng thứ 5 liên tiếp, cho thấy nguồn cung cà phê trên thị trường không thực sự đáng lo ngại như những gì đã dự đoán trước đó. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy giá cà phê suy yếu trong phiên hôm nay.
Thời tiết khô ráo vẫn được duy trì tại Minas Gerais, vùng trồng Arabica chính tại Brazil, sẽ thúc đẩy hoạt động thu hoạch cà phê vốn đang chậm hơn so với mức trung bình lịch sử, đồng thời giúp việc sấy cà phê diễn ra thuận lợi hơn nhằm đảm bảo chất lượng cũng như sản lượng cho mặt hàng này.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật đang cho dấu hiệu trung tính khi dải Bollinger tiếp tục đi ngang và giá giao động quanh đường trung bình của RSI. Khi theo dõi theo khung 1H có thể thấy giá đang nằm dưới cả 3 đường trung bình và đường MACD chếch xuống dưới. Kết hợp với các thông tin cơ bản thiên hướng “bearish”, giá Arabica trong phiên hôm nay được kỳ vọng sẽ phá mức kháng cự tâm lý 215.00 cents để về mức 212.50 cents.

Giá đồng có thể sẽ giằng co trước thời điểm công bố Biên bản họp lãi suất của FED
Các nhà đầu tư đang cho thấy tâm lý thận trọng trước thềm công bố Biên bản họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tháng 7 vừa qua, nhằm tìm kiếm thêm thông tin về động thái thắt chặt tiếp theo trong tháng 9. Điều này khiến cho giá đồng có thể tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 3.60 USD/pound.
Bất chấp lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều quan chức FED vẫn bày tỏ thái độ cứng rắn trong việc tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất nhằm kiểm soát giá cả leo thang. Động thái này nhiều khả năng sẽ xác nhận niềm tin rằng Biên bản hướng tới sự đồng thuận trong công cuộc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ và do đó, giá đồng có thể đối diện với nhiều áp lực.
Về bức tranh cung – cầu, mặc dù dữ liệu cho thấy năng lực sản xuất tương đối tiêu cực tại thị trường Trung Quốc trong tháng 7, nhưng nhiều nhà phân tích đang kỳ vọng về sự khôi phục kinh tế tích cực vào tháng 8. Theo kênh thông tin hàng hoá kim loại Thượng Hải (SMM), nguồn cung đồng thứ cấp tại quốc gia này vẫn đang bị thắt chặt, trong khi đó, ngành kỹ thuật, cơ sở hạ tầng thiết bị đầu cuối tiếp tục khởi sắc, kích thích tiêu thụ đồng thanh thứ cấp có thể sẽ hỗ trợ cho giá đồng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp mới đây đã yêu cầu các quan chức địa phương từ 6 tỉnh quan trọng, chiếm khoảng 40% nền kinh tế của đất nước tăng cường các biện pháp ủng hộ tăng trưởng sau khi dữ liệu yếu kém hồi tháng 7. Cụ thể, những nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng và cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để đầu tư đã được kêu gọi. Theo Bloomberg, chính quyền địa phương có thể phát hành khoảng 1.5 nghìn tỷ nhân dân tệ (221 tỷ USD) nợ và trái phiếu bổ sung trong năm nay để hỗ trợ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Theo một số nhà phân tích, kế hoạch này có thể được phê duyệt vào tháng 8. Tuy nhiên, kế hoạch kích thích thường mất nhiều thời gian để đạt được hiệu quả, trong khi lĩnh vực bất động sản vẫn đang cản trở đà phục hồi kinh tế tại quốc gia này. Do đó, trong vài phiên tới, kịch bản phục hồi của giá đồng vẫn còn nhiều thách thức.

Dầu thô có thể phục hồi sau chuỗi 3 phiên giảm nếu báo cáo EIA cũng cùng quan điểm với API
Giá dầu đang hồi phục nhẹ trong sáng nay, khi các nhà đầu tư hấp thụ các tác động từ số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API.
Theo dữ liệu của API, tồn kho dầu thô trong tuần kết thúc ngày 12/08 giảm 448,000 thùng, mức giảm lớn hơn so với dự báo trước đó là 117,000 thùng. Dù cũng góp phần giúp cho sức mua cải thiện trên thị trường dầu thô, tuy nhiên tác động của tin tức này không quá mạnh, bởi phần lớn các nhà đầu tư đều chờ đợi báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Báo cáo của EIA tuần trước cho thấy tồn kho dầu thô thương mại vẫn tăng, tuy nhiên tiêu thụ xăng cũng có dấu hiệu cải thiện, tăng lên 9.12 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 05/08, và cũng cao hơn so với mức trung bình của 4 tuần là 8.86 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, giá xăng trung bình ở Mỹ cũng đang có dấu hiệu dần hạ nhiệt, và đã giảm về dưới 4 USD/gallon (3.79 lít) trong hai ngày gần đây. Việc giá dầu thô thế giới và lạm phát hạ nhiệt có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với dầu. Bên cạnh đó, các đối tác của Mỹ có thể cũng sẽ gia tăng nhập khẩu dầu.
Vì thế, nếu báo cáo của EIA cũng trùng với báo cáo của API và cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm, cộng với việc nhu cầu tiêu thụ và sản lượng xuất khẩu tăng lên, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu hồi phục.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu dù vẫn duy trì giao dịch ở nửa dưới của Bollinger Band, nhưng vẫn chưa rớt khỏi cạnh dưới. Giá giảm về thấp hơn đáy ngày 05/08, nhưng mà chỉ số RSI tạo đáy cao hơn, nên đây có thể là chỉ báo sớm cho tín hiệu hồi phục.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV