Giá đậu tương nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà suy yếu và hướng về vùng hỗ trợ 1385 do áp lực từ việc đồng USD tăng giá
Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/09, giá đậu tương đang tiếp nối đà suy yếu trong phiên thứ 6 liên tiếp. Yếu tố khiến cho lực bán vẫn kéo dài trong suốt nhịp giảm vừa qua chủ yếu đến từ đà tăng mạnh của đồng USD. Cùng với đó, những số liệu tích cực hơn về triển vọng nguồn cung tại Nam Mỹ cũng góp phần tác động “bearish” và đẩy giá đậu tương quay trở lại vùng hỗ trợ tâm lí 1400.
Khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể chưa sớm dừng lại vẫn sẽ là mối lo ngại lớn đối với nền kinh tế và tác động tới đà tăng mạnh lên mức cao nhất 20 năm qua của đồng USD trong giai đoạn gần đây. Điều này đang gây sức ép đến hệ thống thanh toán quốc tế trên toàn cầu và buộc các quốc gia khác phải tiến hành nâng lãi suất để tránh rủi ro tỷ giá. Không chỉ có các đồng tiền ở các nền kinh tế mới nổi mất giá, đồng tiền của của các nước phát triển cũng đều không theo kịp sự tăng giá của đồng USD.
Việc đồng USD tăng giá liên tục cũng là dấu hiệu, theo lịch sử, thường dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính. Chính vì thế nên sức ép đối với các mặt hàng nông sản không những xuất phát từ áp lực cạnh tranh khi hàng hóa xuất khẩu của Mỹ đang dần trở nên đát đỏ hơn trên thị trường quốc tế mà còn bởi triển vọng nhu cầu suy yếu. Trong trung và dài hạn, khi nền lãi suất tiếp tục tăng và các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phải tiến hành cắt giảm chi phí và cả quy mô sản xuất trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hoá kém đi vì người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Áp lực về nền kinh tế toàn cầu suy thoái đang là yếu tố chính khiến giá đậu tương có thể sẽ tiếp tục mở rộng đà giảm hiện tại. Trong khi đó, xét về cơ bản, thị trường cũng không còn nhiều yếu tố “bullish” đủ mạnh để hỗ trợ cho đà tăng của giá khi Mỹ đã bắt đầu thu hoạch và Brazil dự báo sẽ gieo trồng diện tích đậu tương kỉ lục trong năm nay.
Giá Arabica khả năng cao sẽ quay đầu giảm trong phiên hôm nay trước tín hiệu tích cực từ nguồn cung tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 27/09, hai mặt hàng cà phê có diễn biến trái chiều nhau. Trong khi Arabica ghi nhận sắc xanh nhờ đồng Dollar Mỹ quay đầu giảm giúp tạo gapup ngay khi mở cửa, Robusta nối tiếp sự suy yếu của phiên đầu tuần với mức giảm hơn 1%.
Mưa lớn trong những ngày cuối tháng 09 đã thúc đẩy hoạt động ra hoa của cây cà phê tại Brazil. Đây đang là tín hiệu tích cực đối với sản lượng cà phê tại quốc gia suất khẩu số 1 thế giới do việc mưa lớn đã cung cấp độ ẩm thích hợp để ra hoa đồng loạt, từ đó thúc đẩy tỷ lệ đậu hạt ở mức cao. Đây là đợt ra hoa thứ hai tại Brazil và cũng là đợt ra hoa chính, quyết định đến sản lượng trong năm tiếp theo. Ở đợt ra hoa trước, do gặp phải tình trạng khô hạn kéo dài, khiến tỷ lệ đậu quả gần như bằng 0, đã gây ra những lo ngại nhất định cho giới đầu tư và nông dân trước đó. Dù việc đánh giá sản lượng cà phê ở thời điểm hiện tại được cho là còn quá sớm nhưng những tín hiệu tích cực cũng đủ để thị trường trở nên lạc quan hơn về nguồn cung, từ đó gây sức ép lên giá.
Các quan chức của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), vẫn rất ủng hộ cho khả năng tăng lãi suất của cơ quan này để đạt được mục tiêu về lạm phát. Điều này dự kiến sẽ khiến đồng Dollar Mỹ nối dài đà tăng hiện tại, từ đó đẩy đồng Real trở nên suy yếu trong cặp tỷ giá USD/Brazil Real. Việc đồng Real mất giá sẽ thúc đẩy hơn nữa lực bán từ phía nông dân, kết hợp với sự khả quan về nguồn cung cà phê, khả năng cao giá Arabica sẽ còn phải chịu áp lực trong thời gian tới.
Thu Hải
Giá đồng có thể tiếp tục gặp áp lực trước những lo ngại tăng trưởng chậm lại ở nhiều khu vực
Sức ép vĩ mô tiếp tục khiến thị trường đồng gặp nhiều áp lực bán trong phiên giao dịch sáng nay, và nhiều khả năng giá vẫn còn động lực giảm trong phiên tối khi bức tranh tăng trưởng tại nhiều khu vực trên thế giới đang tương đối ảm đạm.
Nền kinh tế châu Âu vốn đang gặp nhiều thách thức bởi cuộc chiến chống lạm phát lại vấp phải rào cản của cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng, đặc biệt là khí đốt, có thể làm giảm tăng trưởng ở châu Âu thêm 1.25 điểm phần trăm vào năm 2023. Đây là khu vực có nhu cầu tiêu thụ đồng chiếm khoảng 16% cơ cấu trên toàn thế giới.
Tại Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của quốc gia này từ mức 5% trong dự báo trước xuống còn 2.8% trong năm nay. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói chung, bao gồm cả Trung Quốc, cũng được dự báo sẽ tăng trưởng 3.2% năm nay, giảm so với mức dự báo 5% vào tháng 4 và mức tăng trưởng 7.2% của năm trước. Trước hàng loạt các rủi ro tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu, thị trường đồng nhiều khả năng sẽ nối dài đà giảm trong các phiên tiếp theo.
Trong khi đó tại Mỹ, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 9 vẫn đang ở mức tích cực sau khi tăng 2 tháng liên tiếp, đạt mức 108 điểm, cao hơn kỳ vọng ở mức 103. Chỉ số này một phần cho thấy dấu hiệu về nhu cầu và sức mua tại Mỹ vẫn đang tương đối ổn định bất chấp môi trường lãi suất cao. Trong khi đó, chủ tịch Fed luôn nhấn mạnh về nhiệm vụ hạ nhiệt nhu cầu nhằm cân đối với nguồn cung, qua đó bình ổn giá cả trên thị trường. Không gian thắt chặt tiền tệ của Fed vẫn đang khá rộng mở có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tămg cường nắm giữ Dollar. Chỉ số Dollar Index vẫn còn động lực tăng sẽ gây sức ép đến chi phí nắm giữ đồng.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực trước khi có quyết định chính sách của OPEC+
Giá dầu quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng nay, khi Dollar Index thiết lập đỉnh mới và thông tin nhà sản xuất dầu BP đã đưa nhân công quay trở lại giàn khoan tại Vịnh Mexico.
Thông tin Nga có thể thúc giục OPEC+ cắt giảm sản lượng lên tới 1 triệu thùng/ngày trong cuộc họp sắp tới vẫn là yếu tố hỗ trợ ngăn không cho giá giảm quá sâu. Tính đến hiện tại, châu Âu đã cấm vận ngành than của Nga, trong khi tự mình cắt giảm sản lượng khí tự nhiên bán cho các nước láng giềng. Điều này biến dầu thô trở thành mặt hàng duy nhất có khả năng mang lại nguồn thu ngân sách lớn, đặc biệt là trước khi lệnh cấm vận dầu được áp dụng vào tháng 12. Tuy nhiên, với thực tế là nhiều thành viên OPEC+ thực chất chưa bao giờ sản xuất đủ hạn ngạch, ngay cả trong trường hợp OPEC+ công bố mức cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng, nguồn cung cũng sẽ không chịu ảnh hưởng quá nhiều do giảm thực sự sẽ chỉ đến từ một vài quốc gia tại Trung Đông, như Saudi Arabia hay UAE, khó có thể vượt 200,000 thùng/ngày.
Tất nhiên, vẫn có khả năng sản lượng dầu của OPEC+ giảm mạnh hơn nữa, và đẩy thị trường quay trở lại trạng thái thiếu hụt, nhưng chủ yếu đến từ tác động các lệnh cấm vận của châu Âu dành cho dầu Nga. Theo ước tính, sản lượng dầu của Nga có thể giảm ít nhất 1 triệu thùng/ngày. Hiện tại, ngay cả Ấn Độ cũng đã giảm các đơn đặt hàng dầu từ Nga, do chi phí vận chuyển cao. Trong khi đó, tại Trung Quốc, nếu chính sách Zero-Covid thực sự được duy trì đến năm 2023 như nhận định của giới phân tích, khả năng cao nước này cũng sẽ không gia tăng các đơn đặt hàng dầu Nga. Trước khi có quyết định chính thức từ OPEC+ hay thông tin mới từ Trung Quốc, áp lực từ lo ngại suy thoái kinh tế vẫn sẽ áp đảo rủi ro từ nguồn cung.