Tính đến nay, đã có khoảng 140 quốc gia áp dụng ít nhất một trong các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá theo công ước về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tỷ lệ sử dụng thuốc lá của 116 quốc gia trên thế giới được ghi nhận giảm.
WHO đã hỗ trợ các quốc gia thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, trong đó bao gồm các biện pháp như:
1. Giám sát các chính sách phòng ngừa và sử dụng thuốc lá
2. Bảo vệ mọi người khỏi khói thuốc
3. Hỗ trợ để bỏ thuốc lá
4. Cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc lá
5. Thực thi các lệnh cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá
6. Tăng thuế thuốc lá
Các biện pháp trên có tác dụng trực tiếp vào việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá bằng cách giảm tỷ lệ bắt đầu hút thuốc và khuyến khích tỷ lệ bỏ thuốc ở người đang sử dụng thuốc lá. Phân tích dữ liệu từ báo cáo mới nhất của WHO về đại dịch thuốc lá toàn cầu cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa những nỗ lực gần đây nhằm áp dụng các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá (MPOWER) và mô hình giảm tỷ lệ hút thuốc hiện nay ở cấp khu vực của WHO.
Với việc áp dụng các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trung bình của các khu vực trên thê giới đã ghi nhận có sự sụt giảm đáng kể.
Khu vực Đông Nam Á là khu vực có tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở cả nam và nữ giảm mạnh sau khi có những bước tiến lớn trong việc áp dụng hoặc nâng cấp các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá MPOWER. Kể từ năm 2012, tất cả 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã áp dụng hoặc nâng cấp một hoặc nhiều biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá MPOWER.
Trong khi đó, khu vực phía Đông Địa Trung Hải là Khu vực của WHO đạt được tiến bộ ít nhất trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và đồng thời cũng là khu vực chậm tiến độ trong việc thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá MPOWER.
C.K (Theo WHO)