Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới, 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi và 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hàng năm là người hút thuốc lá. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc, tỷ lệ nữ giới hút thuốc thấp hơn, chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc ở Việt Nam là 96,8% và không hút thuốc là 3,2%.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc; 2/3 phụ nữ và 1/2 trẻ em thường xuyên hút thuốc thụ động. Hút thuốc lá là nguyên nhân và tăng nguy cơ của nhiều loại bệnh như ung thư họng, miệng, thanh quản, thực quản, khí quản, phế quản, phổi, bệnh máu trắng... Hút thuốc lá còn gây ra các bệnh mãn tính như đột quỵ, đục thủy tinh thể, viêm nha chu, phình động mạch chủ, bệnh mạch vành... Hằng năm, có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mỗi năm, cả nước phải chi hơn 23 nghìn tỷ đồng cho điều trị và chi phí khác cho các nhóm bệnh có liên quan đến hút thuốc.
Nhiều năm qua, hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai liên tục ở tất cả các địa phương. Các hình thức tổ chức chủ yếu là hội nghị, hội thảo, tập huấn để tuyên truyền, phổ biến trực tiếp. Hàng năm, hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá (ngày 31-5), Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5), các địa phương tổ chức lễ mít tinh trên đường phố; treo băng rôn, pa nô, khẩu hiệu, chạy băng chữ điện tử tại các cơ quan, đơn vị; điều tra, nghiên cứu về thực trạng sử dụng thuốc lá của người dân và tiến độ triển khai Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tổ chức các cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thi tìm hiểu về xây dựng nơi làm việc không khói thuốc; tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá, kinh nghiệm giám sát việc thực thi các quy định về môi trường không khói thuốc phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị treo biển báo cấm hút thuốc lá tại khu vực có quy định cấm hút thuốc. Ngoài ra, việc tuyên truyền còn được thực hiện thông qua các kênh thông tin đại chúng như báo, đài địa phương, hệ thống website, mạng xã hội Facebook, loa truyền thanh tại cơ sở...
Hiện nay, với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông, các tin, bài về tác hại của thuốc lá và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã và đang được thực hiện, đăng tải, phát sóng nhiều hơn, thường xuyên hơn. Công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá thời gian qua đã rút ra được một số kinh nghiệm quý, thông qua việc lựa chọn một số nhân vật đặc biệt, người nổi tiếng, người trong cuộc cùng có tiếng nói trong việc tuyên truyền ngăn chặn đẩy lùi tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhờ các nỗ lực từ nhiều hình thức, chiến dịch truyền thông, việc phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được nhiều chuyển biến đáng kể. Đến nay 100% tỉnh, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động hàng năm. Nhờ tác động tích cực của truyền thông, nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp chiến dịch tuyên truyền, nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc lá thụ động của người dân đã được nâng cao.