Lao phổi là căn bệnh nguy hiểm có thể khiến người bệnh chết dần chết mòn mà không hề hay biết. Vi khuẩn lao chủ yếu là vi khuẩn lao người (M. tuberculosis hominis) hoặc vi khuẩn lao bò nhưng ít gặp hơn, khi vào cơ thể gây suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng, làm giảm khả năng chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập và từ đó, cơ thể dễ dàng mắc các bệnh nguy hiểm khác.

Những triệu chứng lao phổi điển hình gồm: ho kéo dài (ho khan, ho có đờm, ho ra máu), đau ngực, thỉnh thoảng khó thở, thường xuyên chán ăn, mệt mỏi, hay đổ mồ hôi trộm về đêm, sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều…

Ngoài ra, lao phổi còn là căn bệnh quái ác gây nguy hiểm cho cộng đồng bởi kết quả nghiên cứu y học đã cho thấy, một người bị bệnh lao nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ làm lây lan sang người khác. Một người bệnh lao phổi có thể lây nhiễm cho 10 – 15 người khác thông qua tiếp xúc gần trong thời gian gần 1 năm. Những người tiếp xúc với bệnh nhân càng nhiều thời gian và càng trực tiếp thì nguy cơ bị lây bệnh càng cao. Bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc, hắt hơi… sẽ làm bắn ra môi trường xung quanh những hạt nước bọt có chứa vi khuẩn lao. Những hạt này, đặc biệt những hạt dưới 5 micrômét bay lơ lửng trong không khí, người bình thường hít phải những hạt này sẽ bị nhiễm vi khuẩn lao.

Trên thế giới, hiện nay có 1/3 dân số đã bị nhiễm lao, riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có tới 44% dân số đã nhiễm vi khuẩn lao, tuy nhiên, chỉ có 5 – 10% những người nhiễm vi khuẩn lao chuyển thành mắc bệnh lao trong cuộc đời. Đó là lúc cơ thể bị suy giảm miễn dịch như giai đoạn nhiễm virut, suy kiệt do lao động nặng, dùng một số thuốc giảm miễn dịch kéo dài, mắc một số bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, nhiễm HIV…, vi khuẩn lao sẽ sinh sôi và gây bệnh. Ngoài phổi ra, vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể như hạch bạch huyết, màng phổi, não – màng não, xương, khớp, ruột…

Lao phổi là thể bệnh thường gặp cả ở người lớn và trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo lứa tuổi, nhất là ở người già do sức đề kháng ngày càng giảm đi. Tuy nhiên, số người mắc lao nhiều nhất lại là ở tuổi lao động, ảnh hưởng rất lớn đến bản thân gia đình và cộng đồng vì đây là tuổi sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính khiến vi khuẩn lao phát triển thành bệnh Lao

Hút thuốc lá, đó là một thói quen khó bỏ, đặc biệt với những người đã trải qua hàng chục năm hút thuốc. Việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao do khói thuốc làm hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể giảm đáng kể, suy giảm khả năng tiết dịch trên bề mặt của khí quản, chức năng hô hấp và sự phát triển của các đại thực bào phổi, giảm khả năng tự hủy diệt các khối u của đại thực bào phổi là những chiến binh bảo vệ cơ thể, tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút tấn công, xâm nhập vào cơ thể. Sau khi phân tích những yếu tố liên quan như giới tính, tuổi tác, môi trường sống, tình trạng hôn nhân, việc sử dụng đồ uống có cồn, tình trạng công việc…,những nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, việc hút thuốc vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng vi khuẩn lao phát triển thành bệnh, cụ thể khi tiến hành so sánh về khả năng mắc lao ở những người hút thuốc và không hút thuốc, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đã từng hút thuốc có nguy cơ nhiễm lao cao gấp 2,69 lần so với những người chưa bao giờ hút thuốc. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người trẻ tuổi hút thuốc có nguy cơ mắc lao cao hơn những người ngoài 65 tuổi hút thuốc và họ đã đưa ra khuyến cáo: “những nhà hoạch định chính sách và những người hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên xem xét việc quản lý thuốc lá như một biện pháp để kiểm soát bệnh lao”.

Thuốc lá, thuốc lào có chất độc tương tự như nhau, trong thuốc lá có hơn 40.000 chất độc, trong đó có nicotin. Đối với cơ thể người lớn khỏe mạnh, chỉ cần 50mg nicotin có thể cướp đi sinh mạng. Đặc biệt, trong khói thuốc còn có các chất độc vô cùng nguy hiểm với sức khỏe. Những bệnh nhân đã và đang điều trị bệnh lao phổi cần tuyệt đối tránh xa các chất này, nếu tiếp tục hút thuốc thì sự kết hợp của bệnh lao với các tác hại của khói thuốc lá, sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng và khó điều trị, tăng đáng kể nguy cơ tàn tật và tử vong do suy hô hấp hoặc có thể tái phát bệnh lao nhiều lần, dẫn đến kháng trị và tử vong.

Đài Loan: Khoảng 17% những người bị bệnh lao là do hút thuốc lá         

Các nhà nghiên cứu theo dõi gần 18.000 người Đài Loan trong khoảng thời gian hơn ba năm. Người đứng đầu nghiên cứu này, ông Hsien-Ho Lin, cộng sự của Bệnh viện Brigham và Bệnh viện Phụ nữ Boston, Mỹ, nói: “Chúng tôi thấy rằng, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh lao gấp hai lần so với những người không hút thuốc lá”.

Trên thế giới, cứ ba người thì có một người bị nhiễm khuẩn lao nhưng khoảng 90% trong số đó là không triệu chứng, khoảng 10% còn lại sẽ tiến triển thành bệnh lao có triệu chứng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Vi khuẩn lao sẽ làm cho hệ miễn dịch trong cơ thể bị yếu đi. Rất nhiều người mắc HIV/AIDS đã chết vì bệnh lao kèm theo.

Dựa vào kết quả phân tích, khoảng 17% những người bị bệnh lao ở Đài Loan là do hút thuốc lá.

Ukraine: Nhiều bệnh nhân lao không bỏ thuốc lá

Bất chấp bằng chứng cho thấy những mối liên hệ có hại giữa thuốc lá và bệnh lao, nhiều bệnh nhân Ukraine vẫn tiếp tục hút thuốc. Giáo sư Radu Protsenko thuộc Bệnh viện Lao số 1 thành phố Kiev, cho biết: “Một phần ba bệnh nhân của tôi hút thuốc. Tôi nói với họ muốn khỏi bệnh thì phải từ bỏ thuốc lá nhưng nhiều bệnh nhân không nghe”.

Ukraine lần đầu tiên thừa nhận rằng họ đang đối mặt với đại dịch lao vào năm 1995. Hơn 20 năm sau, bệnh lao tiếp tục là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Ukraine có tỷ lệ lưu hành bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) cao thứ năm trên thế giới và quốc gia này báo cáo tỷ lệ tử vong do lao không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách tương đối cao. Tỷ lệ đồng nhiễm lao/ HIV cũng đang có xu hướng gia tăng. Ukraine đã và đang cập nhật các chính sách và hướng dẫn quốc gia phù hợp với các khuyến nghị mới nhất của WHO và áp dụng vào thực tế hàng ngày. Quốc gia này cũng đang hướng tới dịch vụ chăm sóc người dân làm trung tâm với sự cân bằng giữa nhập viện và chăm sóc cấp cứu, bằng cách đưa chẩn đoán và điều trị đến tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu - càng gần bệnh nhân và cộng đồng càng tốt.

Ukraine đã phê chuẩn Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC) vào năm 2006 và kể từ đó việc kiểm soát thuốc lá đã được tăng cường. Kết quả Điều tra Toàn cầu về Thuốc lá dành cho Người lớn (GATS) được công bố vào năm 2017 cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở nước này đã giảm đáng kể trong 7 năm qua. Năm 2017, Quốc hội Ukraine đã thông qua chính sách tăng thuế thuốc lá trong 7 năm tới, đến năm 2024. Năm 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tăng 29,7%. Năm ngoái, WHO và các đối tác đã triển khai dịch vụ cai thuốc lá chuyên nghiệp để hỗ trợ những người Ukraine bị lệ thuộc vào thuốc lá. Sau hơn 6 tháng thử nghiệm, trang web và đường dây cai nghiện đã được bàn giao cho Trung tâm Y tế Công cộng thuộc Bộ Y tế Ukraine.

Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao

Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ bệnh lao mới mắc giảm khoảng 2,6% hằng năm và tỷ lệ tử vong giảm khoảng 4,4% hằng năm, nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hiện nay, mỗi ngày ở nước ta có khoảng 46 người chết do lao. Theo định hướng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tới năm 2050, sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh lao còn một trường hợp mắc bệnh trên một triệu người.

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có tình trạng bệnh lao nặng nề nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 130.000 người mới mắc bệnh lao và chúng ta mới chỉ phát hiện được 100.000 người. Ước tính mỗi năm có khoảng 18.000 người chết vì lao, khoảng 8.000 người vừa mắc bệnh lao vừa nhiễm HIV, khoảng 6.000 người mắc lao đa kháng thuốc.

Từ bỏ thuốc lá để giảm thiểu khả năng mắc bệnh lao phổi

Để giảm thiểu khả năng mắc bệnh lao phổi thì mỗi chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau đây:

- Nói không với thuốc lá.

- Tránh xa môi trường có khói thuốc và các hóa chất độc hại.

- Khi ra ngoài hay xuất hiện ở nơi đông người cần mang khẩu trang y tế.

- Mang khẩu trang khi chăm sóc người mắc bệnh lao phổi.

- Bảo vệ, giữ gìn môi trường nhà ở, nơi làm việc, học tập sạch sẽ, khô thoáng để loại bỏ các tác nhân gây bệnh.

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý: bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

- Hạn chế đến những nơi đông người. 

 * Hãy nói không với hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh

* Vì tương lai sức khỏe của cộng đồng và của chính mình, hãy từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay!
*Hãy dừng lại trước khi quá muộn!
Long Giang (Theo chac.vn, bvbdien.thuathienhue.gov.vn, euro.who.int, benhvienquoctedna.vn, baohaugiang.com.vn, bacninh.gov.vn)

Nguồn: VITIC