Bấy lâu, khói thuốc trắng được coi như nguyên do hàng đầu dẫn đến các căn bệnh về đường hô hấp. Chưa buông tha cho sức khỏe con người, khói thuốc lá còn khiến các hệ cơ quan khác của cơ thể từng ngày bị ăn mòn và hao hụt “công năng” đáng kể. Một trong số đó phải kể đến hệ tiêu hóa và đặc biệt là dạ dày.
Khoa học đã chứng minh hút thuốc lá là một thói quen xấu và ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe của người hút và mọi người xung quanh. Chỉ cần châm điếu thuốc và hít hà trong làn khói nicotin thì đã vô tình “nạp” cho cơ thể mình hơn 4.000 chất độc khác nhau, trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Người ta chia ra 4 nhóm chính:
- Nicotine: Nicotine là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi thuốc khi tiếp xúc với không khí.
- Monoxit carbon (khí CO): Khí CO có nồng độ cao trong khói thuốc lá và sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 20 lần oxy.
- Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Những phân tử này bám rất chặt ở môi trường xung quanh như quần áo, bàn ghế, khiến nhiều người có khả năng bị phơi nhiễm thụ động khói thuốc mà không biết.
- Các chất gây ung thư: Trong khói thuốc lá có trên 40 chất trong số đó gồm cả các hợp chất thơm có vòng như: Benzopyrene có tính chất gây ung thư.
Những chất độc hại trong thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng mà còn khiến cho những người xung quanh bị ảnh hưởng. Các bệnh lý về phổi và dạ dày là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở người hút thuốc lá.
Hút thuốc lá gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Người ta biết rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD và chứng ợ nóng ợ chua là cảm giác đau hoặc tức ngực do trào ngược, tức là khi thức ăn bán tiêu có axit dịch vị trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Axit dịch vị giúp phân hủy thức ăn nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày. Tuy nhiên, thực quản có nguy cơ bị nhiễm các axit này. Cơ vòng thực quản dưới là một cơ tròn nằm giữa dạ dày và thực quản và giữ lại các chất thức ăn trong dạ dày mà không cho chúng trào ngược lên thực quản. Chất Nicotine trong khói thuốc lá làm suy yếu cơ vòng. Thức ăn trong dạ dày có thể trào ngược lên thực quản do cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu, dẫn đến có thể bị ợ chua và làm tổn thương niêm mạc thực quản. GERD xảy ra khi trào ngược xuất hiện ít nhất hai lần một tuần. Điều này có thể gây ra hẹp thực quản, dẫn đến cản trở đường đi của thức ăn và cũng có thể gây ra các thay đổi trong các tế bào thực quản có thể góp phần gây ung thư.
Bệnh Crohn có nguy cơ phát triển
Bệnh Crohn ở những người hút thuốc trước đây và hiện tại cao hơn ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Bệnh Crohn là một tình trạng đường ruột bị viêm gây đau và kích ứng đường tiêu hóa. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng nào của đường tiêu hóa, phần dưới của ruột non thường xuyên bị ảnh hưởng có thể dẫn đến tiêu chảy và đau đớn. Các biến chứng như tắc nghẽn ruột và loét niêm mạc ruột có thể phát sinh từ bệnh Crohn, cần phải phẫu thuật để loại bỏ phần ruột bị tổn thương. Hút thuốc cũng có thể làm giảm khả năng phòng vệ của ruột, giảm lưu lượng máu đến ruột hoặc gây viêm bằng cách tạo ra các thay đổi trong hệ thống miễn dịch. Khi so sánh nam giới và phụ nữ mắc bệnh Crohn, các tác động liên quan đến hút thuốc được thấy ở phụ nữ phổ biến hơn nam giới. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định cơ chế đằng sau sự trầm trọng thêm của bệnh Crohn ở những người hút thuốc.
Hút thuốc lá gây viêm loét dạ dày tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong những ung thư phổ biến trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng hàng đầu trong ung thư đường tiêu hóa và chiếm 10,5% trong các loại ung thư hay đứng hàng thứ 3 trong các căn bệnh ung thư thường gặp. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết.
Hút thuốc lá gây viêm loét dạ dày tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày
Theo một thống kê ở Việt Nam, cứ 100.000 người thì có ít nhất 14 người bị ung thư dạ dày. Nguyên nhân ung thư dạ dày ở những người hút thuốc có thể được giải thích qua một số lý do sau:
Khói thuốc có chứa hàm lượng rất cao chất nicotin. Đây là loại hóa chất đã được chứng minh là có khả năng kích thích và phá hủy thần kinh, cơ quan hô hấp và các bộ phận khác trong cơ thể.
Khi hút thuốc, nicotin sẽ xâm nhập vào cơ thể và kích thích sản sinh ra nhiều chất cortisol. Cortisol được gọi là hormone stress do nó thường được cơ thể tiết ra khi phải chịu đựng stress kéo dài. Cortisol tăng sẽ gây tiết acid dạ dày (HCI) và pepsin khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Đồng thời, cortisol cũng làm giảm đi khả năng miễn dịch và chống viêm của cơ thể. Chính vì vậy mà thuốc lá là tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh nếu như người bệnh nhiễm vi khuẩn HP.
Bên cạnh đó, thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến vùng niêm mạc dạ dày và ức chế dạ dày bài tiết chất nhầy, bài tiết prostaglandin dạ dày, nước bọt tiết ra yếu tố tăng trưởng biểu bì, bài tiết bicarbonat niêm mạc dạ dày và bài tiết bicarbonat tụy khiến cho việc hút thuốc lá làm giảm tái tạo tế bào, vết loét lâu lành. Do vậy, những người hút thuốc lá càng thường xuyên với số lượng lớn càng nhiều thì càng dễ bị viêm loét dạ dày tá tràng.
Các hóa chất trong thuốc lá còn kích thích niêm mạc dạ dày sản sinh ra chất endothelin làm cho cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày bị suy yếu.
Với những bệnh nhân có bệnh lý dạ dày đang được điều trị bằng thuốc như kháng histamine H2 thì việc hút thuốc lá làm suy yếu tác dụng điều trị của thuốc, kích thích bài tiết pepsin, thúc đẩy trào ngược tá tràng vào dạ dày, làm tăng nguy cơ và tác hại của vi khuẩn HP, đồng thời làm tăng sản xuất các gốc tự do, vasopressin tiết bởi tuyến yên, tiết endothelin bởi niêm mạc dạ dày và sản xuất các yếu tố kích hoạt tiểu cầu.
Ngoài ra, ở một vài bộ phận người dân có thói quen vừa ăn vừa hút thuốc hoặc ăn xong là hút một điếu thuốc cho “thơm miệng” mà không hề biết rằng sau khi ăn, dạ dày và ruột co bóp mạnh, tuần hoàn máu tăng nhanh, vì vậy việc hút 1 điếu thuốc lá lúc này khiến cơ thể có nguy cơ hấp thu lượng độc tố gấp 10 lần.
Tất cả những yếu tố trên đều làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày ở những đối tượng hút thuốc lá, việc hút thuốc lá càng lâu với số lượng càng lớn thì khả năng mắc ung thư dạ dày càng cao.

Dù chỉ hút thuốc lá với số lượng rất ít, 1 điếu thuốc sau mỗi bữa ăn cũng làm đã làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh lý về dạ dày. Việc bỏ thuốc lá có thể cải thiện các triệu chứng của một số bệnh tiêu hóa hoặc duy trì tình trạng bệnh, giữ cho chúng khỏi bị nặng hơn. Vì vậy, để bảo vệ tốt sức khỏe của mình và những người xung quanh, hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ.

Long Giang (Theo caithuocla.net.vn, www.news-medical.net, vtv.vn, 24h.com.vn, thanhnghi.vn) 

Nguồn: VITIC