Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút và 33 triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Hút thuốc lá gây nên những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người hút thuốc trực tiếp và những người sống trong môi trường có khói thuốc lá (những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ người hút thuốc), nhất là trẻ em.
Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ em: Theo số liệu thống kê, hàng năm ở Việt Nam có khoảng 40.000 trường hợp tử vong do thuốc lá và có tới 60% trẻ em dưới 5 tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề do thường xuyên hít phải khói thuốc lá. Các chuyên gia cũng cho biết, khói thuốc lá có khả năng hạn chế cung cấp oxy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, gây rối loạn nhịp thở và nhịp tim ở trẻ, do đó làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ em lên nhiều lần. Nếu trẻ nhỏ có cha hoặc mẹ hút thuốc lá thì nguy cơ này tăng gấp 2 lần, trong khi nếu cả 2 cùng hút thì nguy cơ tăng lên đến 4 lần.
Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ các bệnh về đường hô hấp ở trẻ: Những đứa trẻ sống trong môi trường thường xuyên có khói thuốc lá, đặc biệt là những trẻ có cả bố và mẹ hút thuốc lá thì nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cao hơn rất nhiều so với trẻ khác. Độc tính trong khói thuốc lá có thể gây ra các căn bệnh hen suyễn ở trẻ, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, một số bệnh ung thư liên quan đến hệ hô hấp, viêm amidan…
Nguy cơ viêm màng não và viêm não mô cầu: Không chỉ làm suy yếu nghiêm trọng hệ hô hấp, khói thuốc là còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ nhỏ, tạo điều kiện cho các loại virus gây viêm não tấn công. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên hút phải khói thuốc lá có nguy cơ bị nhiễm virus viêm màng não và viêm não mô cầu cao hơn rất nhiều.
Viêm tai giữa cấp và mạn tính: Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa không chỉ gây nên gánh nặng về kinh tế mà còn gây điếc cho những cuộc đời còn dài của những đứa trẻ. Điếc khi trẻ còn rất nhỏ rất dễ gây nên câm và không có khả năng học tập.
Bệnh đường ruột: Hút thuốc thụ động ở trẻ em gây tăng nguy cơ phát triển bệnh đường ruột mạn tính khác, viêm đại tràng. Những trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc.
Ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và hành vi: Những trẻ phải sống trong môi trường thường xuyên có khói thuốc lá sẽ hạn chế hơn về khả năng học hỏi cũng như tiếp thu kiến thức. Một số trường hợp nhạy cảm có thể dẫn tới rối loạn về hành vi, các chứng bệnh tăng động giảm chú ý và có nguy cơ nghiện thuốc lá cao hơn khi trưởng thành.
Có thể thấy rằng tác hại của thuốc lá đối với trẻ em là rất lớn, gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ hãy chủ động từ bỏ thuốc lá để phòng bệnh cho chính bản thân mình, cũng như các con mình, đảm bảo cho trẻ được sống trong môi trường không khí trong sạch và lành mạnh.
Hãy bảo vệ bạn và gia đình bạn khỏi khói thuốc thụ động bằng các cách: Không hút thuốc hoặc khôn cho phép hút thuốc trong nhà hoặc xung quanh em bé. Không cho phép bất kỳ ai hút thuốc trong xe của bạn đảm bảo rằng các cơ sở giữ trẻ, trường mẫu giáo và trường học của con bạn không có thuốc lá.

Nguồn: VITIC tổng hợp