Tại Thủ đô New Delhi Ấn Độ, từ ngày 7 đến 13/11/2016, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Ấn Độ đồng tổ chức Hội nghị lần thứ 7 các bên thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá với sự có mặt của hơn 2000 đại biểu từ 180 quốc gia thành viên của Công ước, các tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc và NGO, INGOs, quan sát viên và truyền thông quốc tế.
Đây là Công ước quốc tế mang tính toàn cầu đầu tiên của Tổ chức Y tế thế giới, có hiệu lực từ ngày 10/2/2005 sau khi 40 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước. Ngày 11/11/2004, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước này. Tính đến ngày 01/01/2015, đã có 180/192 quốc gia thành viên của WHO tham gia Công ước, chiếm 89% dân số toàn thế giới. Hai năm một lần, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội nghị các bên tham gia Công ước nhằm đánh giá việc thực hiện của các quốc gia thành viên và định hướng chương trình can thiệp trên toàn cầu, cũng như góp ý, điều chỉnh những vấn đề mới về phòng chống tác hại của thuốc lá mà Chính Phủ các nước quan tâm.
Ở Việt Nam, Theo Nghi định 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiêu lực từ ngày 15/11/2020, hút thuốc lá không đúng nơi quy định có mức phạt như sau:
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá
Theo Luật phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn và địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn
Theo Điều 11 Luật phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm:
– Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên:
+ Cơ sở y tế;
+ Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở trường cao đẳng, đại học, học viện;
– Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
– Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
– Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà:
+ Nơi làm việc;
+ Trường cao đẳng, đại học, học viện;
+ Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp thuộc địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên; địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.
– Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá
Theo Điều 12 Luật phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá gồm những địa điểm sau:
– Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
+ Khu vực cách ly của sân bay;
+ Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;
+ Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
Lưu ý: Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
+ Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
+ Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;
+ Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
2. Mức phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá
Theo Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá mức phạt như sau:
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật;
+ Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
+ Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
+ Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;
+ Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;
+ Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
3. Không nhờ trẻ em dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá
Tại Điều 9 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, việc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Tương tự, Luật cũng cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng và mua bán thuốc lá.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi để mua bán thuốc lá. Khoản 1 Điều 24 Nghị định 176/2013/NĐ-CP chỉ quy định sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 300.000 đồng đối với người chưa đủ 18 tuổi hút thuốc lá.
Ng. Hảo (Luatvietnam, Lawkey)