Công ước khung FCTC của WHO là hiệp ước quốc tế ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm thúc đẩy sức khỏe cộng đồng, và là công cụ pháp lý quan trọng hỗ trợ các bên trong nỗ lực nâng cao sức khỏe cộng đồng và chấm dứt vấn nạn dịch thuốc lá.
Được bảo trợ bởi WHO, nhưng Công ước Khung FCTC được thông qua với sự thảo luận của 193 chính phủ. Nghĩa là, FCTC do các bên liên quan, của chính phủ các quốc gia là thành viên của hiệp ước đó xây dựng, như một tài liệu hướng dẫn chính phủ các nước thực hiện chiến lược kiểm soát thuốc lá riêng phù hợp với tình hình thực tế của từng quốc gia.
Mặc dù vậy, WHO luôn có những quan ngại và cảnh báo các quốc gia cần cẩn trọng với sự can thiệp của ngành hàng thuốc lá sẽ thu hút giới trẻ bằng những sản phẩm mới hấp dẫn để trẻ hóa thế hệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, từ thuốc lá điếu, xì gà đến các loại thuốc lá thế hệ mới.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam khác với các nước, khi ngành thuốc lá được quản lý dưới sự điều tiết của Chính phủ với những chính sách chặt chẽ như: Thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện; Nhập khẩu, sản xuất về sản lượng và quy định kinh doanh cũng chịu sự quản lý nghiêm ngặt của Nhà nước; Các doanh nghiệp thuốc lá Nhà nước phải báo cáo thường kỳ với Chính phủ về mức độ tuân thủ đúng với luật định…
Đây cũng chính là sự khác biệt của Việt Nam trong việc kiểm soát thuốc lá góp phần tạo lên những thành tựu và khả năng hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực kiểm soát các sản phẩm thuốc lá của Việt Nam.
Ảnh Internet
Trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam luôn được WHO đánh giá là một trong những quốc gia tích cực triển khai hiệu quả Công ước trong khu vực từ việc học tập những kinh nghiệm thế giới cho đến các hành lanh pháp lý. Trong khi đó, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực từ năm 2013 là một trong những cam kết của nước ta trong việc thực hiện FCTC là kết quả nghiên cứu, bàn thảo của nhiều Bộ liên ngành, bao gồm Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp,… đang phát huy tốt vai trò nền tảng trong quản lý các sản phẩm thuốc lá. Đây cũng là cơ sở pháp lý phù hợp cho việc định nghĩa, phân loại thuốc lá mới nào là sản phẩm thuốc lá, để có thể quản lý ngay.
Với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định cấm mọi hoạt động thương mại, sử dụng thuốc lá đối với người dưới 18 tuổi. Luật cũng cấm quảng cáo, tài trợ, sử dụng hình ảnh thuốc lá trên mọi phương tiện, ấn phẩm đại trà. Bên cạnh đó, hành vi hút thuốc tại nơi cấm thuốc lá cũng có các mức phạt cụ thể theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, từ 200.000-500.000 đồng…
Với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới còn nhiều tranh luận, việc tận dụng nghiên cứu khoa học từ quốc tế, kết hợp cùng các cơ quan trong nước, các viện, hiệp hội cùng với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để cùng nghiên cứu và hoàn thiện về mặt khoa học và xã hội để từ đó hình thành biện chứng quản lý phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Về năng lực quản lý, mặc dù thị trường Việt Nam từ lâu đã có đa dạng chủng loại thuốc lá, từ thuốc lá điếu, thuốc lào, xì gà, thuốc lá cuốn… đến các loại thuốc lá thế hệ mới, nhưng cho đến nay kết quả kiểm soát thuốc lá vẫn được ghi nhận tích cực từ báo cáo của các cơ quan, bộ ngành liên quan.
Thực tiễn trên đã cho thấy, mặc dù việc kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá, từ thuốc lá điếu, xì gà đến các loại thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam còn có một số hạn chế nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có nhiều thế mạnh hơn trong việc chứng minh khả năng kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá. Điều đó cũng cho thấy Việt Nam không thua kém các quốc gia khác và có thể hoàn toàn phát huy nội lực của mình bằng những bước đi phù hợp với thực tiễn trong việc kiểm soát mọi sản phẩm thuốc lá, từ thuốc lá điếu, xì gà đến các loại thuốc lá thế hệ mới.

Nguồn: VITIC tổng hợp