Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh, thiếu niên đang diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng tại 11 tỉnh, thành phố trong học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Đặc biệt ở nhóm nữ giới từ 11-18 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3%.
Việc gia tăng tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đã kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ. Bộ Y tế đã phải kêu gọi, phát động chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng bởi những mối nguy hại từ những sản phẩm thuốc lá mới này. Tuy nhiên, giải pháp quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng thì hiện câu chuyện này vẫn còn nhiều tranh luận.
Trước những diễn biến khó lường và sự gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 5757/BCT-TCQLTT đề nghị tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước đối với thuốc lá thế hệ mới (TLTHM).

Ảnh Internet

Công văn đề nghị Bộ Y tế sớm rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của TLTHM để đề xuất sửa đổi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, Bộ Y tế cần xem xét, nghiên cứu, đánh giá chi tiết về các loại tinh chất, hợp chất, thành phần được phép sử dụng cho TLTHM để các bộ, ngành có liên quan xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dùng và có giải pháp quản lý TLTHM phù hợp.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, chỉ đạo các đơn trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, không quảng cáo nhằm kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương như Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia,… trong rà soát, quản lý địa bàn; giám sát các đối tượng, địa bàn trọng điểm. Bên cạnh đó, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép mặt hàng thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.
Bộ Công Thương sẽ thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị có liên quan của Bộ thực hiện hoạt động phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, UBND các cấp để triển khai nghiêm túc các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá thế hệ mới nhập lậu trên thị trường và không gian mạng trong thời gian tới.
Trước đó, để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, Chính phủ cũng đã ban hành công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gửi đến các bộ, ngành, địa phương… Đây là văn bản thể hiện chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc đẩy lùi, ngăn chặn tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới trong bối cảnh hiện nay, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân. 

Nguồn: VITIC tổng hợp