Hiện nay, thuế thuốc lá của Việt Nam rất thấp, thuế theo giá bán lẻ thì Việt Nam mới chỉ khoảng 38%, ở mức từ 36-38% là rất thấp so với chuẩn chung của thế giới (khoảng 60% của các quốc gia đang phát triển và 62% trung bình thế giới). WHO khuyến cáo thuế với mặt hàng thuốc lá phải chiếm khoảng 75% giá bán lẻ, mức thuế ở Việt Nam hiện quá thấp.
Với đề xuất về tăng thuế thuốc lá của WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới ở Việt Nam xuống còn khoảng 35,8% là tương đối đạt mục tiêu và sẽ giúp giảm khoảng 3,2 triệu người hút thuốc. Tuy nhiên nếu không có các phương án tác động, số người hút thuốc sẽ tăng thêm 2,5 triệu người. Phương án của WHO đề xuất có ý nghĩa rất lớn, ngoài việc giảm hút thuốc và giảm bệnh tật, tử vong do thuốc lá còn là lợi ích cho sức khỏe người dân.
Việc tăng thuế thuốc lá có lợi ích giúp tăng nguồn thu thuế cho Chính phủ. Theo ước tính việc tăng thuế thuốc lá sẽ giúp tăng khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm từ thuế thuốc lá vào năm 2030 và đây là một nguồn thu cũng tăng đáng kể.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, lần này thuốc lá điếu được đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% giá xuất xưởng và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ 2026-2030 với 2 phương án. WHO đánh giá rất cao đề xuất Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế thuốc lá, với lộ trình đến năm 2030.
Cụ thể, với phương án 1: Năm 2026 bổ sung thuế tuyệt đối là 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027-2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: Năm 2026 bổ sung mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối tăng lên 10.000 đồng/bao.
Với phương án 2, mức bắt đầu tăng thuế là 5.000 bao thuế tuyệt đối. So phương án 1 là bắt đầu từ mức 2.000 đồng/bao thuốc lá. WHO đánh giá phương án 2 tốt hơn, sẽ có tác động giảm tỷ lệ thuốc lá nhanh hơn và hiệu quả hơn khi năm 2026 bắt đầu áp dụng.
Về tổng thể đến năm 2030, WHO đánh giá các phương án của Bộ Tài chính đưa ra sẽ giúp giảm được khoảng 2,5 triệu người hút thuốc. Bởi trong bối cảnh nếu như không có các biện pháp can thiệp tăng thuế thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ tăng lên và sẽ có thêm khoảng 2,5 triệu người hút thuốc mới. Đề xuất thuế thuốc lá của Bộ Tài chính đưa ra là vừa đủ để giữ cho số người hút thuốc không tăng, mặc dù tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm theo ước tính của WHO.
Theo đó, cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế để xây dựng, đề xuất Bộ Tài chính sẽ giảm hút thuốc nam giới xuống còn khoảng 37,5%, gần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ người hút thuốc. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến nghị phương án cao hơn, đó là: Mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao, lên 15.000 đồng/bao (20 điếu) vào năm 2030, cộng với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp đạt được mục tiêu quốc gia giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới dưới 36% vào năm 2030. Việc tăng thuế thuốc lá là điều rất cần thiết ngay lúc này, nó sẽ làm giảm thiểu người hút thuốc, giảm bệnh tật và giảm tử vong sớm trước khi quá muộn.