Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 nghìn đến 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Tại Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm – tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc.
Thời gian qua công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc được tổ chức trên toàn quốc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nnhờ các nỗ lực từ nhiều hình thức, chiến dịch truyền thông, việc phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được nhiều chuyển biến đáng kể. Với những nỗ lực của Bộ Y tế cùng các bộ, ngành và địa phương, đã giúp công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo thống kê của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, năm 2015 tỷ lệ người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) hút thuốc lá chiếm 22,5%, trong đó, tỷ lệ nam hút thuốc lá chiếm 45,3% và nữ chiếm 1,1%. Năm 2023, tỷ lệ người tuổi trưởng thành hút thuốc lá chiếm 20,2% (giảm 2,5% so với năm 2015), trong đó, tỷ lệ nam hút thuốc lá chiếm 38,9% và nữ chiếm 1,5%. Tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá năm 2023 so với năm 2015 có giảm tuy nhiên tỷ lệ giảm không đáng kể. Trong khi đó, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh ở mức báo động: tăng hơn 2 lần (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Qua đó cho thấy thực trạng đáng báo động trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.
Hàng năm hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá (ngày 31-5), Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5), các tỉnh thành đã tổ chức lễ mít tinh trên đường phố; treo băng rôn, pa nô, khẩu hiệu, chạy băng chữ điện tử tại các cơ quan, đơn vị; điều tra, nghiên cứu về thực trạng sử dụng thuốc lá của người dân và tiến độ triển khai Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về tác hại và Luật phòng chống tác hại thuốc lá cho thành viên các hội, đoàn thể, học sinh các trường học. Tổ chức các cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thi tìm hiểu về xây dựng nơi làm việc không khói thuốc; tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá, kinh nghiệm giám sát việc thực thi các quy định về môi trường không khói thuốc phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị treo biển báo cấm hút thuốc lá tại khu vực có quy định cấm hút thuốc. Ngoài ra, việc tuyên truyền còn được thực hiện thông qua các kênh thông tin đại chúng như báo, đài địa phương, hệ thống website, mạng xã hội Facebook, loa truyền thanh tại cơ sở... Qua đó, nhận thức của người dân về hút thuốc lá đã có sự thay đổi, tỷ lệ hút thuốc lá có xu hướng giảm.
Thời gian tới, công tác tuyên truyền cần được thực hiện với nội dung và hình thức phong phú hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Để từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, các trường hợp có thể tự nguyện thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, không hút thuốc lá nơi công cộng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các cơ quan, ban, ngành cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các chương trình giáo dục về tác hại thuốc lá trong phạm vi công sở, trường học... để thay đổi nhận thức của người dân.

Nguồn: VITIC tổng hợp