Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay chưa được công nhận ở Việt Nam nhưng lại được bán tràn lan trên thị trường, nhất là qua môi trường không gian mạng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường hiện nay chủ yếu là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trước việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng tăng nhanh trong cộng đồng, nhất là giới trẻ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở cả nam và nữ, giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Đặc biệt, là ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong dân cư.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thực hiện cuộc điều tra “Thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại thành phố Hà Nội năm 2022”. Kết quả cho thấy, có 19,1% người từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá. Trong đó có 13,9% là những người sử dụng thuốc lá hàng ngày, 5,1% là thỉnh thoảng hút. Trung bình những người này hút 1,5 điếu/ngày.
Điều tra cũng chỉ ra, có gần 50% số người được hỏi đã từng nghe về thuốc lá điện tử, trong đó có 3,5% đã từng sử dụng và 0,6% đang sử dụng thuốc lá điện tử, tăng so với năm 2019 là 2,3%. Như vậy, thuốc lá điện tử đã dần dần không còn xa lạ đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Điều này làm gia tăng tỷ lệ người biết về thuốc lá và có xu hướng tăng sử dụng các loại thuốc lá này.
Mục tiêu của Thủ đô giai đoạn 2026 - 2030 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%, tại nhà hàng xuống dưới 65%, tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ đô Hà Nội đã đề ra 6 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, bao gồm:
- Hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
-Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá
- Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Để công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đạt kết quả cao, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục có những giải pháp truyền thông sâu rộng tại cộng đồng thông qua nhiều hình thức phong phú, thiết thực như truyền hình, Internet, mạng xã hội… tập trung tuyên truyền sâu rộng cho lứa tuổi học sinh, sinh viên. Nhân rộng các mô hình công sở, thôn/xóm, nhà hàng, khách sạn, bến xe, bến tàu… không khói thuốc lá, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đồng thời mở rộng các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Tích cực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...
Hà Nội phấn đấu giữ vững là thành phố Xanh - Sạch - Đẹp, thành phố Vì hòa bình!
 

Nguồn: VITIC tổng hợp