Nhưng như vậy không có nghĩa là thuốc lá thế hệ mới không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Theo các tài liệu y học, đa phần thuốc lá thế hệ mới có chứa nicotine - chất gây nghiện cao và là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ung thư… Trong dung dịch thuốc lá thế hệ mới còn có glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15.500 loại hương liệu). Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin/Glycerin gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi lần hút. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
Như vây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, hay bất kỳ sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện nào khác mà loại bỏ quá trình đốt cháy đều có hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, theo các báo cáo về độc chất học, chỉ những thuốc lá thế hệ mới đã qua kiểm nghiệm và hợp pháp trong đó có sản phẩm thuốc lá làm nóng ít gây hại hơn 80-90% so với thuốc lá điếu đốt cháy.
Giáo sư Jasjit S Ahluwalia, Giáo sư Y khoa tại Đại học Brown cũng nhận định rằng với thuốc lá thế hệ mới, có sự giảm thiểu đáng kể, có ý nghĩa thống kê và trên lâm sàng đối với các tác nhân gây ung thư.
Giảm tác hại cũng đồng thời là hướng tiếp cận thứ ba do WHO đưa ra trong Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) nhằm hướng dẫn các nước triển khai những hoạt động hướng tới các giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá, bên cạnh hai hướng tiếp cận truyền thống là giảm cung thông qua việc siết chặt quản lý các sản phẩm thuốc lá và giảm cầu thông qua việc tuyên truyền cho cộng đồng về tác hại của thuốc lá.
Theo ước tính của WHO, trên toàn cầu có hơn 1 tỷ người tiếp tục hút thuốc lá, tỷ lệ cai nghiện thuốc lá thành công trên thế giới chỉ dừng ở mức 8%. Thống kê này cùng với sự thật rằng hút thuốc vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh có thể phòng ngừa được và các trường hợp tử vong sớm củng cố sự cần thiết phải xem xét tất cả các hướng tiếp cận có khả năng giảm tác hại so với hút thuốc lá. Do đó, các chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu đa chiều, khách quan về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhằm cung cấp một giải pháp phù hợp với hàm lượng các chất gây hại ít hơn cho những đối tượng đang hút thuốc lá điếu trưởng thành có nhu cầu chuyển đổi sử dụng.
Việt Nam đã được WHO đánh giá là một trong những quốc gia tích cực triển khai hiệu quả Công ước trong khu vực từ việc học tập những kinh nghiệm thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một văn bản nào hướng dẫn về việc quản lý thuốc lá thế hệ mới. Các bộ ngành của Việt Nam mới đang trong quá trình tiến hành nghiên cứu, lấy ý kiến toàn diện để trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, quy định dành cho thuốc lá thế hệ mới đang được đề xuất dựa trên cơ sở khoa học, tình trạng thực tiễn của Việt Nam cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.