Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người sử dụng thuốc lá thừa nhận rằng, họ muốn bỏ thuốc lá. Đầu năm 2020, WHO đã công bố một báo cáo khoa học cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 cao hơn. Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và tiểu đường. Bên cạnh đó, những người sống với những điều kiện này dễ bị Covid-19 nghiêm trọng hơn.
Chiến dịch "Cam kết bỏ thuốc lá" do WHO phát động sẽ hỗ trợ ít nhất 100 triệu người khi họ cố gắng từ bỏ thuốc lá thông qua cộng đồng những người cai thuốc. Chiến dịch sẽ giúp tạo ra môi trường lành mạnh hơn có lợi cho việc bỏ thuốc lá bằng cách ủng hộ các chính sách cai thuốc lá mạnh mẽ; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cai nghiện; nâng cao nhận thức về các chiến thuật của ngành công nghiệp thuốc lá và trao quyền cho người sử dụng thuốc lá thực hiện các nỗ lực bỏ thuốc lá thành công thông qua các sáng kiến “bỏ thuốc lá và chiến thắng”.
Bỏ thuốc lá được coi là một thách thức, đặc biệt trước những căng thẳng xã hội và kinh tế gia tăng do hậu quả của đại dịch Covid-19. Trên toàn thế giới, có khoảng 780 triệu người nói rằng họ muốn bỏ thuốc lá, nhưng chỉ 30% trong số họ có quyền truy cập vào các công cụ có thể giúp họ làm như vậy. Rất nhiều người cũng đã nhận ra rằng nếu không có quyết tâm cao độ và thiếu hỗ trợ, việc bỏ thuốc có thể là một thách thức vô cùng lớn.
Với sự hỗ trợ từ chuyên gia, người sử dụng thuốc lá có thể tăng gấp đôi cơ hội bỏ thuốc thành công. Hiện tại, có hơn 70% trong số 1,3 tỷ người hút thuốc lá trên toàn thế giới thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ cần thiết để cai nghiện thành công. Việc thiếu tiếp cận các dịch vụ cai nghiện lại càng trở nên trầm trọng hơn khi lực lượng y tế đã được huy động để xử lý đại dịch Covid-19. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch cho Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2021 với chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá”. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc lá tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyên cáo của WHO.
Để tạo môi trường thuận lợi cho việc bỏ thuốc lá, WHO đã làm việc với các đối tác và quốc gia trên toàn cầu để thực hiện những biện pháp kiểm soát thuốc lá nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá một cách hiệu quả. WHO cùng với các đối tác sẽ tạo ra và xây dựng các cộng đồng kỹ thuật số, nơi mọi người có thể tìm thấy sự hỗ trợ xã hội mà họ cần. Trọng tâm sẽ là các quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao.
Tại Việt Nam, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại, trong thời gian qua với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy so với năm 2015 tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
Có câu nói rằng “người từ bỏ không bao giờ chiến thắng”, nhưng trong trường hợp hút thuốc lá, những người từ bỏ sẽ là những người chiến thắng thực sự. Khói thuốc lá hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người hãy “Cam kết bỏ thuốc lá” như một hành động nhằm hưởng ứng thông điệp Ngày Thế giới không thuốc lá (ngày 31/5).