Tuần này, hội đồng hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương (NHTW) Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Thái Lan sẽ tổ chức họp bàn để đưa ra những đánh giá về chính sách tiền tệ hiện tại.

Ngân hàng nào sẽ nới lỏng?


NHTW Nhật Bản và Thái Lan được dự đoán sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện tại. Ngược lại, giới chuyên gia kinh tế lại có nhiều ý kiến khác nhau về quyết sách sắp tới của NHTW Ấn Độ và Australia.

Đối với Ấn Độ, mùa mưa là lý do chính khiến Thống đốc Raghuram Rajan có thể sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở 7,25% trong thời gian tới, Barclays nhận định trong báo cáo ngày 31/7. NHTW Ấn Độ (RBI) trích dẫn số liệu cho biết, tổng lượng mưa tính đến thời điểm hiện tại của năm 2015 đang ở mức bình thường, đạt 96% lượng mưa trung bình trong thời gian dài.

Mặt khác theo các chuyên gia kinh tế tại Moody's, sự cân bằng của các yếu tố ngoại lực cũng là yếu tố thuận lợi để RBI nới lỏng chính sách. Moody's dự đoán, RBI sẽ tiếp tục hạ lãi suất cơ bản lần thứ 4 trong năm nay với 25 điểm cơ bản.

"Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tiếp tục lao dốc, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ giảm dần trong những tháng tới. Sản xuất công nghiệp cùng doanh số bán ôtô suy yếu sẽ buộc RBI phải hạ lãi suất", theo nhận định của Moody's.

Tuy nhiên có nhiều chuyên gia vẫn kêu gọi RBI giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại trước lo ngại về diễn biến lạm phát 2 chiều. Trong khi chỉ số giá bán buôn tại Ấn Độ liên tục giảm kể từ đầu năm 2015 thì chỉ số giá tiêu dùng vẫn không đổi ở 5,4% - mức cao nhất 8 tháng.

Còn đối với Australia, những bình luận gần đây của Thống đốc Stevens cho thấy, hội đồng hoạch định chính sách của RBA sẽ không vội vàng hạ lãi suất thêm lần nữa. RBA có thể sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 2%, nhờ số liệu việc làm vượt kỳ vọng và những nỗ lực làm suy yếu hoạt động đầu tư vào bất động sản đang có hiệu quả, theo Shane Oliver - trưởng phòng chiến lược đầu tư tại AMP Capital.

Tuy nhiên theo ông Oliver, RBA vẫn có khả năng hạ lãi suất do triển vọng đầu tư ảm đảm, tăng trưởng kinh tế trì trệ trong khi đồng đôla Australia tiếp tục tăng giá và lạm phát ở mức vừa phải.

Những chỉ số "sức khỏe" của nền kinh tế châu Á


Cũng trong tuần này, thị trường châu Á sẽ tiếp nhận một loạt báo cáo kinh tế của các nước.

Sự kiện rủi ro chính đối thị trường có lẽ là báo cáo về chỉ số PMI của Trung Quốc do Caixin/Markit công bố trong hôm nay. PMI của Trung Quốc dự báo sẽ giảm xuống 48,2 điểm trong tháng 7 do hoạt động sản xuất tại các nhà máy quy mô nhỏ suy giảm mạnh nhất trong vòng 15 trở lại đây.

Ngoài ra, báo cáo GDP quý II/2015 của Indonesia (công bố ngày 7/8) có thể sẽ gây thêm rắc rối cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này, đặc biệt khi đồng rupiah đang giao dịch ở mức thấp nhất 17 năm. Khảo sát của Reuters cho thấy, kinh tế Indonesia đã tăng trưởng khoảng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II, thấp hơn mức tăng 4,7% của quý I. Nếu đúng, đây sẽ là quý tăng trưởng chậm nhất của Indonesia kể từ quý III/2009.

Ở Australia,  thị trường sẽ đón nhận số liệu thâm hụt thương mại và doanh số bán lẻ tháng 6. Theo dự báo của Moody's, thâm hụt thương mại tháng 6/2015 của Australia tăng nhẹ lên 2,9 tỷ đôla Australia (khoảng 2,11 tỷ USD), chủ yếu do đà trượt giá của quặng sắt. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 cũng dự báo tăng nhẹ 0,3%.

Tâm điểm cuối cùng sẽ là báo cáo thương mại tháng 6 của Malaysia. Moody's ước tính, thặng dư thương mại tháng 6 của nước này sẽ giảm xuống 4,5 tỷ ringgit (khoảng 1,18 tỷ USD) từ mức thặng dư 5,5 tỷ ringgit của tháng 5, do giá năng lượng liên tục giảm. Mặt khác, việc ringgit đang ở mức thấp nhất 17 năm cũng đang gây áp lực cho các hoạt động nhập khẩu của Malaysia.

Nguyễn Dung

Theo CNBC