Đồng rupiah trở thành một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất châu Á sau khi giảm khoảng 7% so với USD kể từ đầu năm, xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Theo quy định, giá các hàng hóa, dịch vụ như giá phòng khách sạn, cho thuê nhà hay tư vấn pháp luật ở Indonesia chỉ được niêm yết bằng rupiah. Ở Indonesia, 80% hợp đồng cho thuê văn phòng bằng USD.
Ngân hàng trung ương Indonesia cho biết, quy định cấm ngoại tệ trong các giao dịch nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào USD và các ngoại tệ khác và nhằm hạn chế tình trạng bốc hơi nguồn vốn. Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Indonesia, tổng giá trị các giao dịch bằng ngoại tệ trong nước khoảng 73 tỷ USD/năm.
Quy định có hiệu lực từ hôm qua 1/7 làm dấy lên lo ngại sẽ làm tăng chi phí hoạt động và một số rủi ro khác của các doanh nghiệp trong nhành khai khoáng, dầu khí, sản xuất và bất động sản – những doanh nghiệp thường giao dịch bằng USD để hạn chế rủi ro rupiah mất giá.
Ngành hàng không có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quy định mới này ngay cả khi chi phí hoạt động đã được giảm đáng kể do giá dầu giảm, Tim Ross, trưởng bộ phận nghiên cứu vận tải tại Credit Suisse cho biết. Điều này bởi lẽ các hãng hàng không Indonesia phải chi trả một số khoản phí bằng USD trong đó có chi phí bảo dưỡng, phí hạ cánh.
Tronng khi đó, nhìn chung các doanh nghiệp cần có thời gian để có cơ chế kế toán mới phù hợp với quy định. Về vấn đề này, phát ngôn viên Ngân hàng trung ương Indonesia Peter Jacobs cho biết sẽ cân nhắc cho doanh nghiệp thêm thời gian để áp dụng quy định mới trong từng trường hợp nhất định.
Minh Phương
Theo FT, WSJ