Theo đó, khoảng 17 tỷ USD đã chảy vào các quỹ tiền mặt trong tuần kết thúc ngày 23/09 trong khi 3.3 tỷ USD đã rút khỏi cổ phiếu thông qua các quỹ ETF và quỹ tương hỗ, số liệu được Bank of America Merrill Lynch và EPFR Global công bố hôm thứ Sáu cho thấy.

Cùng kỳ, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng chỉ nhận được 400 triệu USD. Như vậy, tiền mặt đang hấp dẫn hơn so với cả hai kênh tài sản này lần đầu tiên kể từ năm 1990.

Các quỹ thị trường tiền tệ đầu tư vào các khoản nợ có thanh khoản tốt nhưng có kỳ hạn rất ngắn như trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhờ mức độ biến động thấp nên nhà đầu tư thường xem các quỹ này tương đương với kênh tiền mặt.

Trái phiếu doanh nghiệp cũng chứng kiến tuần rút vốn thứ 12 liên tiếp. Được biết, Giám đốc đầu tư toàn cầu của Công ty Quản lý quỹ UBS Wealth, Mark Haefele, đã giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp Mỹ trong tháng này sau khi liên tục gia tăng tỷ trọng đầu tư vào kênh tài sản này kể từ cuối năm 2011.

Ông Haefele cho biết: “Các diễn biến gần đây của thị trường đã khiến nhà đầu tư hoài nghi về mức độ hiệu quả của các gói QE đến thị trường cổ phiếu. Chắn chắn các thị trường sẽ tiếp tục bấp bênh trước khi nhận được số liệu tăng trưởng kinh tế vào các tuần tới”.

Nhìn chung, ông Haefele vẫn còn nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng cao hơn mức bình quân cho phép trước dự tính các thị trường sẽ tăng cao hơn trong 6 tháng tới.

Bank of America Merrill Lynch nhận định tâm lý bi quan trên các thị trường tài chính đã chạm đỉnh cao chưa từng thấy kể từ tháng 10/2011. Đây là tín hiệu mua mạnh cho các nhà đầu tư theo trường phái chuyên đi ngược xu hướng chung của đám đông.

Theo Phước Phạm

Vietstock