Trung Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này, với tài sản đầu tư ra nước ngoài toàn cầu tăng từ 6,4 nghìn tỷ USD hiện nay đến gần 20 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Theo một báo cáo chung của các Công ty Nghiên cứu kinh tế Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, trong khi phần lớn đầu tư ở dạng dự trữ ngoại hối và danh mục đầu tư, một phần tăng trưởng sẽ đến từ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước phương Tây.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (OFDI) của Trung Quốc, trong đó bao gồm đầu tư mua bán sáp nhập công ty, sẽ tăng từ 744 tỷ USD hiện nay lên đến 2 ngàn tỷ USD vào năm 2020. Trong chưa đầy một thập kỷ, OFDI của Trung Quốc đã tăng từ con số 0 đến hơn 100 tỷ USD mỗi năm.
Châu Âu hào hứng đón dòng vốn khổng lồ này từ đại lục, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng trưởng kinh tế khu vực chậm chạp. Từ năm 2000 đến năm 2014, các công ty Trung Quốc đã chi 46 tỷ euro cho 1.047 dự án đầu tư trực tiếp tại 28 quốc gia EU.
Anh là quốc gia tiếp nhận nhiều đầu tư trực tiếp nhất từ Trung Quốc, với tổng tích lũy là 12,2 tỷ euro. Đức đứng thứ hai với 6,9 tỷ euro và Pháp thứ ba với 5,9 tỷ euro. Sau sự sụt giảm trong năm 2013, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng trở lại trong năm 2014, đạt mức cao kỷ lục: 14 tỷ euro cho cả năm. Năng lượng , ô tô, thực phẩm và bất động sản thu hút dòng tiền từ Trung Quốc nhiều nhất.
Nhưng báo cáo cũng cảnh báo rằng, nguồn vốn tăng vọt của Trung Quốc chứa đựng các rủi ro liên quan đến chính trị khi Trung Quốc liên tục bị cáo buộc dùng tiền để "mua thế giới". "Một số mối quan tâm cụ thể có liên quan đến bản chất của hệ thống chính trị và kinh tế của Trung Quốc, ví dụ như trợ cấp, hệ thống chính trị thiếu cởi mở... tạo ra những thách thức cụ thể”, báo cáo cho biết.
Trong đó, vấn đề nghiêm trọng là các công ty Trung Quốc được hưởng một loạt khoản trợ cấp nhà nước cung cấp, bao gồm cả nguồn vốn giá rẻ và sự hỗ trợ từ chính phủ khi đầu tư ra nước ngoài. Do đó, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã có ưu thế đặc biệt trong cạnh tranh với các công ty tư nhân châu Âu.
Lượng tiền mà người Trung Quốc tiết kiệm được lên đến 21.000 tỷ USD sẽ được sử dụng để đầu tư ra nước ngoài. Hiện tượng này sẽ đem đến những tác động có quy mô tương tự như những gì Trung Quốc đã làm với hệ thống thương mại toàn cầu khi gia nhập WTO năm 2001. Trung Quốc đã khiến hàng hóa giá rẻ tràn ngập thế giới, nâng cao sức mua của các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Ngay khi Trung Quốc nới lỏng các quy định về vốn, lượng tiền tiết kiệm khổng lồ này sẽ ồ ạt đầu tư khắp thế giới cùng với tiến trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ. Theo Bloomberg Intelligence, việc Trung Quốc mở cửa cán cân vốn cũng sẽ thúc đẩy giao dịch hàng hóa bằng đồng nhân dân tệ, qua đó tăng cường khả năng chi phối của đồng nhân dân tệ trên thị trường tài chính thế giới.
Một trong những nỗ lực mới nhất của Trung Quốc là thành lập 5 trung tâm giao dịch nhân dân tệ ở nước ngoài, kết nối hai sàn chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông với các sàn chứng khoán quốc tế. Đã có những dấu hiệu đầu tiên về xu hướng này mà các chuyên gia kinh tế nêu lên.
Người Trung Quốc đã vượt qua Canada để trở thành nhóm khách ngoại quốc mua nhà ở Mỹ nhiều nhất. Trong năm 2015, số người Trung Quốc đến Úc đầu tư bất động sản đã tăng 60% so với năm ngoái. Giới nhà giàu Trung Quốc không chỉ tràn ra nước ngoài mua bất động sản mà họ còn mua lại hàng loạt tài sản như câu lạc bộ thể thao, nhãn hiệu thời trang, nhà máy sản xuất rượu, sân bay của các nước.
Những tài sản này, theo giới chuyên gia, có thể trở thành công cụ bành trướng và thọc sâu vào nền kinh tế của nước sở tại khi chính quyền Bắc Kinh cần đến. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang tăng tốc. Bank of Communications, ngân hàng lớn thứ 5 Trung Quốc, đang triển khai thương vụ thâu tóm đầu tiên ở nước ngoài trong khi China Construction Bank có kế hoạch mở chi nhánh ở châu Âu, Đông Nam Á và châu Phi.
Theo Thụy Kha
Doanh Nhân Sài Gòn