Theo một nghiên cứu mới của tổ chức Jubilee Debt Campaign, hơn 20 quốc gia khác cũng đang vật lộn với khủng hoảng nợ cộng và nhiều quốc gia, từ Senegal đến Lào cũng đang nằm trong vùng nguy hiểm nợ - mà bất cứ biến động nào như suy thoái kinh tế hay lãi suất tăng bất ngờ trên thị trường nợ thế giới có thể dẫn đến thảm họa.

Một trong những bài học được rút ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008 là quốc gia có mức nợ cao dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bất ngờ của thị trường.

Báo cáo của Jubilee cho thấy, mức lãi suất giảm đến kịch sàn tại nhiều nền kinh tế chính trên thế giới để đối phó với khủng hoảng đã phần nào đó thúc đẩy Chính phủ, doanh nghiệp và người dân vay nợ nhiều hơn, gia tăng tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ trong tương lai.

Judith Tyson của Viện Phát triển quốc tế cho biết kể từ năm 2012, nợ công đã tăng lên một cách nhanh chóng, đặc biệt là ở châu Phi. Trong khi một vài quốc gia sử dụng các khoản vay một cách thông minh để đa dạng hóa nền kinh tế và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhiều quốc gia khác đã không làm được như vậy. Tyson lấy ví dụ là Ghana - quốc gia ở Tây Phi mà Tyson cho rằng đã dùng các khoản vay một cách lãng phí và phù phiếm.

Theo phân tích của Jubille, các quốc gia đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công cao là những quốc gia có nợ ròng cao hơn 30% GDP, thâm hụt tài khoản vãng lai trên 5% GDP và các khoản nợ phải thanh toán trên 10% doanh thu Chính phủ.

Jubilee ước tính 14 quốc gia đang tên đà lao nhanh vào một cuộc khủng hoảng nợ công, do gánh nặng nợ nước ngoài quá lớn, thâm hụt thương mại lớn, dai dẳng và các khoản nợ phải trả quá cao.

Tanzania là một trong những quốc gia hiện đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ công rất cao. Quốc gia này cũng đã từng trải qua khủng hoảng nợ nặng nề vào những năm 1990.

Có thể nói rằng, Tazania đã làm nên thành công khi nhận được cứu trợ giãn nợ trong năm 2001 và 2006, giúp giảm khoản nợ phải trả từ 27% doanh thu chính phủ xuống chỉ còn 2%. Các khoản nợ liên tục gia tăng kể từ năm 2009, bao gồm các nhà tài trợ đa phương như Ngân hàng Thế giới, song đây vẫn là một mô hình thành công khi quốc gia này đã có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân trên thị trường vốn bằng việc phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Tanzania và doanh thu của Chính phủ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu vàng và quặng kim loại quý. Trong những tháng gần đây, giá vàng và giá kim loại đã giảm nhanh chóng. Theo số liệu của Jubilee, tăng trưởng không như kỳ vọng có thể làm cho các khoản nợ phải thanh toán ước tính khoảng 10% doanh thu của Chính phủ, vào năm 2018 sẽ tăng gấp đôi và Tazania sẽ lại rơi vào "khu vực nguy hiểm".

Giá cả hàng hóa sụt giảm do tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại cùng với việc đồng USD mạnh lên - một mối nguy hiểm đối với các khoản nợ bằng đồng USD - sẽ đặt ra nhiều áp lực đối với nhiều quốc gia đang phát triển.

Ethiopia có mức nợ liên tục gia tăng, làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Mông Cổ, quốc gia đã kêu gọi đầu tư nước ngoài vào khai thác nguồn tài nguyên, bao gồm than đá, đang có kế hoạch vay nợ 1 tỷ USD trong vòng 1 năm tới. Tuy nhiên, do đồng tiền của quốc gia này, đồng tugrik, đã mất giá nhanh chóng, có thể gây ra những hậu quả nặng nề nếu như bùng nổ kinh tế trong mấy năm gần đây kết thúc.

Tim Jones, chuyên gia chính sách của Jubilee đưa ra lời cảnh báo rằng mức cho vay nợ hiện tại đối với các nước nghèo đe dọa sẽ lại tạo ra những cuộc khủng hoảng nợ.

Tuy nhiên, nguy cơ này không chỉ hiện hữu đối với riêng các quốc gia đang phát triển.

Theo Jubilee, các khoản cho vay xuyên biên giới trên toàn cầu, bao gồm cả lĩnh vực tư nhân và chính phủ, đã tăng từ 11.300 tỷ USD trong năm 2011 lên 13.800 tỷ USD vào năm 2014 và dự báo sẽ đạt 14.700 tỷ USD trong năm nay.

Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng mức nợ do các chính phủ nỗ lực kéo nền kinh tế quay trở lại mức trước khủng hoảng.

Russell Jones, nhà kinh tế học của Llewellyn Consulting, cho biết các khoản nợ đang dần tích tụ lại do các nguồn lực khách cho tăng trưởng ngày càng suy giảm. Chính phủ và các ngân hàng trung ương đang chịu áp lực rất lực rất lớn trong việc duy trì tại mức lãi suất cũ.

Cũng như trường hợp của Hy Lạp, một khoản nợ tưởng như có thể "quản lý được" một ngày nào đó có thể nhanh chóng trở nên "thiếu bền vững" khi thị trường tài chính hoặc nền kinh tế có biến động.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục trong năm nay có thể là "chất xúc tác" làm biến động thị trường nợ toàn cầu và có thể gây ra nhiều hậu quả lớn.

Trong báo cáo kinh tế toàn cầu vào tháng trước của World Bank, tổ chức này đã đưa ra lời cảnh báo rằng, các quốc gia đang phát triển đối mặt với viễn cảnh dòng vốn giá rẻ dồi dào cần phải hy vọng vào những điều tốt nhất phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất.

Nguồn: NDH