Nhân sự kiện này, ông Dong Tao (Tổng giám đốc kiêm Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á không tính Nhật Bản, Tập đoàn tài chính Credit Suisse), nhà báo Mark Magnier (trưởng nhóm chuyên trách kinh tế Trung Quốc đại lục và Đài Loan - báo The Wall Street Journal), Giáo sư Dwight H.Perkins (Đại học Harvard, cựu chủ nhiệm Khoa Kinh tế, Đại học Harvard, Mỹ) đã trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên xung quanh việc Bắc Kinh phá giá nhân dân tệ.
Chưa chơi đúng luật
Ông nghĩ thế nào về ảnh hưởng của việc phá giá nhân dân tệ đối với kinh tế khu vực Đông Á?
Dong Tao: Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu trên thế giới và đóng vai trò “mỏ neo” cho nhiều nền kinh tế ở châu Á xét về tỷ giá hối đoái và xuất khẩu. Vào giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 2007 - 2008, nhân dân tệ ổn định đóng vai trò quan trọng đối với khu vực. Chính vì thế, sự mất giá của nhân dân tệ có tác động rất lớn, lớn hơn cả mức mà ngân hàng trung ương nước này dự tính.
Magnier: Kinh tế Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực nên nước này giải quyết bằng cách phá giá nhân dân tệ. Diễn biến như vậy gây ảnh hưởng lớn đối với một số nước châu Á đang cạnh tranh với Trung Quốc trong vị thế yếu hơn. Các quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia và một số nước sản xuất hàng dệt may bị ảnh hưởng lớn.
Gần đây, Trung Quốc nỗ lực đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền mạnh trên thế giới, nhưng vừa qua lại phá giá NDT. Đó có phải là sự mâu thuẫn trong chính sách của Trung Quốc hay không?
Dong Tao: Chúng ta cần tách bạch những chuyển biến dài hạn và ngắn hạn. Tôi nghĩ rằng ngay cả các đồng tiền mạnh như USD, euro cũng có nhiều lúc thăng trầm trong ngắn hạn. Vì thế, không có gì mâu thuẫn khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệđể giải quyết vấn đề ngắn hạn, dù vẫn nỗ lực biến thành đồng tiền mạnh.
Magnier: Đó không hề mâu thuẫn, nếu NDT thực sự đang chuyển dần từ một loại tiền được neo tỷ giá cố định sang tỷ giá biến động dựa trên diễn biến của thị trường. USD, euro, yen (Nhật) đều có tăng giảm theo thị trường. Nếu Trung Quốc hành xử dựa trên thị trường thì đó là con đường đúng. Tuy nhiên, thực tế, như bạn thấy, Trung Quốc liên tục can thiệp vào tỷ giá nhân dân tệ mà không dựa trên thị trường. Còn phải chờ xem sao.
Trung Quốc vẫn có thể trở thành một phần của TPP
NDT giảm giá sẽ tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu. Vì thế, về lâu dài, một nhân dân tệ yếu có thể gây khó khăn cho các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi hiệp định này được ký kết?
Dong Tao: Tôi nghĩ rằng việc nhân dân tệ giảm giá ở mức độ 4% không đủ sức làm cho hàng hóa Trung Quốc nới rộng đáng kể khoảng cách về giá, nhất là khi các nước cạnh tranh cũng giảm giá. Vì thế, các nước tham gia TPP sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Vấn đề là Trung Quốc sẽ bị Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu đảm bảo cho nhân dân tệ biến động theo đúng diễn biến thị trường.
Magnier: Tôi không nghĩ TPP bị tác động nhiều. Thực tế, các công ty Trung Quốc vẫn có thể trở thành một phần của TPP bằng cách đặt nhà máy ở các nước tham gia TPP.
Perkins: Nhân dân tệ mất giá chỉ khoảng hơn 4% là khá khiêm tốn. Dù việc phá giá làm tăng lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc nhưng không đem lại hiệu quả tương xứng để bù đắp vào việc tiền lương tăng lên. Tình trạng tăng lương ở nước này tiếp tục diễn ra trong lúc kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ là láng giềng, Việt Nam còn nhập siêu từ Trung Quốc, nên Việt Nam cần làm gì để ứng phó khi hàng hóa Trung Quốc rẻ do nhân dân tệ bị phá giá?
Dong Tao: Tôi tin rằng sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc có ý nghĩa lớn hơn với việc nhân dân tệ mất giá.
Magnier: Đó là một thách thức cho Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng đã nhanh chóng mở rộng biên độ giao dịch tỷ giá hối đoái ngay sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Nhiều quốc gia đang tham gia trò chơi cạnh tranh kiểu này. Suốt một thời gian dài Trung Quốc không hạ giá nhân dân tệ trong khi yen và euro từ sớm đã hạ giá. Thực tế này khiến Trung Quốc “đau đớn” khi neo nhân dân tệ với USD nhưng USD lại ngày càng tăng giá.
Perkins: Nền xuất khẩu vốn dựa nhiều vào lao động có thể giúp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Việc nhân dân tệ giảm giá không gây ra nhiều ảnh hưởng bằng việc nhân dân tệ được giao dịch ngày càng nhiều hơn trong giao thương quốc tế.

Trung Quốc còn ngụp lặn
Theo ông, đâu là lý do khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hồi đầu tuần?
Magnier:Đối với các nước khác, thị trường chứng khoán thể hiện “sức khỏe” của nền kinh tế. Thế nhưng ở Trung Quốc thì lại không như vậy. Trong khi nền kinh tế có nhiều biểu hiện yếu đi thì thị trường chứng khoán vẫn tăng mạnh. Đó là vì việc đầu tư trên thị trường chứng khoán chủ yếu mang tính đầu cơ. Vì thế, nó như một quả bong bóng ngày càng căng nên việc “vỡ bong bóng” là dễ hiểu.
Như vậy, trong tương lai gần, kinh tế Trung Quốc sẽ thế nào?
Magnier:Nền kinh tế nước này sẽ còn “ngụp lặn” để vượt qua khó khăn. Đầu tư bất động sản, xuất khẩu và sản xuất đều đang yếu kém nên không đủ sức lật ngược tình thế. Niềm hy vọng giờ đây phụ thuộc vào một số điểm sáng như nền kinh tế vẫn còn có thể tạo ra việc làm, thị trường tiêu dùng còn ở mức cao, doanh số bất động sản (không phải đầu cơ) dần ổn định, và chính phủ đang có kế hoạch chi tiêu thêm vào cơ sở hạ tầng.

 

Theo Ngô Minh Trí
Thanh Niên

Nguồn: Thanh Niên