Cuộc bỏ phiếu thông qua Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) hôm 23/6 tại Thượng viện Mỹ đã cấp cho Tổng thống Mỹ Barack Obama khả năng hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. Với quyền này, Mỹ có thể giải quyết những rào cản còn lại trong đàm phán với Nhật Bản để kết thúc hiệp định TPP.

Những thành viên Đông Nam Á như Việt Nam, Brunei, Singapore và Malaysia hiện đang là một phần của tiến trình đàm phán TPP. Ngoài ra, Philippin cũng đã chính thức tuyên bố muốn gia nhập TPP. Trong đó, Singapore và Brunei là 2 trong số những quốc gia sáng lập hiệp định tiền thân của TPP, rất lâu trước khi Mỹ quyết định gia nhập, sau đó TPP ra đời và được mở rộng. Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia tham gia đàm phán TPP rất sớm.

Nền kinh tế của 4 quốc gia này là cực kỳ đa dạng. Không giống như những thỏa thuận tự do thương mại trước đây giữa Mỹ và Châu Âu, TPP bao gồm cả những nước phát triển lẫn đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đối với Singapore và Brunei, việc tham gia TPP là điều không cần bàn cãi. Thị trường nội địa của 2 nước này rất nhỏ, ngành nông nghiệp của họ trên thực tế không đáng kể và với một nền kinh tế rất mở cửa.

Riêng Singapore là một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trên thế giới. Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 diễn ra, kinh tế Singapore đã phải chịu thiệt hại nặng nề nhất trong số các quốc gia phát triển, dù nước này đã hồi phục trở lại. Mặc dù lượng người nhập cư vào Singapore tăng cao nhưng người dân nước này vẫn hiểu rằng quốc gia của họ phụ thuộc nhiều vào giao dịch thương mại. Do đó, những nghi vấn về TPP tại Singapore là không cao.

Tuy nhiên, dù Singapore rất ủng hộ TPP và đi đầu trong thương mại khu vực nhưng nước này khó có thể đạt được nhiều lợi ích bằng các nền kinh tế khép kín hơn, như Việt Nam. Theo một số phân tích, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP so với các nước thành viên khác. Những mặt hàng như lúa gạo, thủy sản, dệt may và các sản phẩm sản xuất có hàm lượng kỹ thuật thấp của Việt Nam sẽ được miễn thuế tại thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Các quan chức và chuyên gia Việt Nam cũng nhận định TPP là một yếu tố góp phần làm giảm những rắc rối gây ra bởi các doanh nghiệp nhà nước và mở cửa nền kinh tế. Trước đó, Việt Nam cũng đã sử dụng việc gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế. Mặc dù kinh tế Việt Nam đã hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối thập niên 2000 nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chưa trở lại được như hồi đầu những năm 2000.

Ngoài ra, các công ty quốc doanh cồng kềnh vẫn đang là một lực cản đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, những công ty quốc doanh của Việt Nam, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, chưa đến mức quá cồng kềnh và tạo ảnh hưởng lan rộng nếu bị cải cách. Theo một thăm dò gần đây của Viện Nghiên cứu Pew, người dân Việt Nam có quan điểm ủng hộ TPP cao hơn nhiều các nước tham gia TPP, thậm chí cao hơn nhiều so với Mỹ.

Trong số những nước Đông Nam Á, có lẽ Malaysia là quốc gia phải đối mặt với khó khăn nhiều nhất khi thuyết phục người dân chấp nhận TPP. Trước đó, chính phủ Malaysia đã cam kết với các thành viên trong liên minh đảng cầm quyền rằng họ sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nội địa và có những chương trình hỗ trợ cho người dân, ngay cả khi điều này vi phạm các chuẩn mực của hiệp định thương mại tự do.

Năm 2013, liên minh cầm quyền tại Malaysia chỉ có một chiến thắng sát sao trong cuộc bầu cử. Đồng thời, một cuộc tranh cãi đã diễn ra giữa Thủ tướng Najib tun Razak và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Những yếu tố này tạo sức ép lên các nhà đàm phán TPP của Malaysia về vấn đề bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, trong khi điều này khó có khả năng đạt được với một thỏa thuận tự do thương mại như TPP.

Một điểm sáng duy nhất cho Thủ tướng Najib là phe đối lập cũng đang trong tình trạng hỗn loạn do các vấn đề xung quanh tôn giáo, xã hội. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông của Malaysia đang dấy lên nghi vấn về việc liệu chính phủ nước ngày có xem xét lợi-hại toàn diện trước khi tham gia TPP hay không.

Hiện nay, nhóm người Mã Lai (Malaysia có nhiều nhóm người, trong đó có 3 dân tộc chính là Mã lai, Trung Quốc và Ấn Độ) là nhóm người có hoài nghi nhiều nhất về TPP bởi họ sợ hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ của chính phủ. Dân tộc Mã Lai là nhóm người đông nhất ở Malaysia và có kiểm soát chính tại chính phủ, quân đội, cảnh sát. Đây cũng là dân tộc được nhận hỗ trợ nhiều nhất từ chính quyền Kuala Lumpur. Hơn nữa, hiệp định TPP cũng không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều khu vực thành phố, nơi thường có nhiều cử tri ủng hộ phe đối lập.

Theo thăm dò của Viện Pew, một tỷ lệ lớn người Malaysia cho biết họ không đủ thông tin để có ý kiến về TPP, nhưng tỷ lệ người dân ủng hộ hiệp định này cũng thấp hơn so với nhiều nước thành viên khác. Có lẽ sẽ không ngạc nhiên khi Thủ tướng Najib, người luôn phải đối phó với các vấn đề chính trị trong nước, sẽ từ bỏ việc ủng hộ TPP. Rất có thể ông Najib sẽ yêu cầu các nhà đàm phán Malaysia chỉ chấp nhận TPP với các điều khoản có lợi cho quốc gia này.

Theo Hoàng Nam
NDH

Nguồn: NDH