Theo Japan Times, các quốc gia thành viên của AIIB sẽ ký kết các điều khoản trong bản thỏa thuận quyết định về số cổ phần mà mỗi nước sở hữu và tổng số vốn đầu tư hoạt động ban đầu.
Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng thành lập được xem đối thủ cạnh tranh với các tổ chức tài chính do phương Tây dẫn đầu như Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Mặc dù, Mỹ là nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước sự xuất hiện của AIIB nhưng nhiều đồng minh chủ chốt của Washington như Anh, Đức, Australia và Hàn Quốc lại hào hứng tham gia vào tổ chức này. Đa số thành viên tham gia AIIB là các quốc gia châu Á và những nước tới từ khu vực Trung Đông và Nam Mỹ.
Cho tới nay, Nhật Bản và Mỹ vẫn là hai nước lớn không cử đại diện tới tham dự các buổi họp sáng lập tổ chức AIIB. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định họ vẫn đang rộng mở cánh cửa đón chào Tokyo và Washington.
“Đây là một thắng lợi lớn mang tính chiến lược và ngoại giao đối với Trung Quốc”, nhà nghiên cứu cấp cao Malcolm Cook tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định.
Còn theo một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận thấy rằng quốc gia này không có sự lựa chọn nào khác là tự thành lập một ngân hàng cho riêng mình sau nhưng nỗ lực cải cách các thể chế tài chính hiện thời như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm khẳng định vị thế nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vốn bị Mỹ ngăn cản lâu nay.
Trong đó, các nước châu Á dự kiến sẽ chiếm 75% cổ phần trong AIIB, còn các quốc gia châu Âu và những nước còn lại sẽ giữ 25% cổ phần. AIIB hoạt động với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ dần được tăng lên thành 100 tỷ USD.
Đặc biệt, Trung Quốc sẽ nắm từ 25 – 30% cổ phần còn Ấn Độ sẽ nắm giữ vị trí cổ đông lớn thứ hai với 10 – 15% cổ phần trong AIIB.
Theo báo cáo hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Đức cho biết nước này dự kiến sẽ có 4,1% cố phần trong AIIB và trở thành cổ đông lớn thứ tư sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Hôm 24/6, Australia tuyên bố nước này sẽ đóng góp khoản tiền hơn 719 triệu USD trong 5 năm và trở thành cổ đông lớn thứ 6 của AIIB.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không nắm quyền phủ quyết trong hệ thống AIIB. Điều này trái ngược với việc Mỹ có quyền phủ quyết trong WB.
Trong bài phát biểu đăng trên tờ People’s Daily hôm 25/6, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei cũng thừa nhận: “Cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để đưa AIIB trở thành một tổ chức mang tiêu chuẩn ngang hàng với các thể chế tài chính toàn cầu”.
Ngoài khoản đầu tư lớn vào AIIB, Trung Quốc còn cam kết hỗ trợ hàng tỷ USD cho quỹ Con đường Tơ lụa và sáng kiến “Một vành đại, một con đường”, nhằm tạo ra một hệ thống cơ sở hạ tầng giúp tăng cường hoạt động thương mại và kết nối giữa khu vực châu Á với châu Âu.