NDB có số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và con số này sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Trong đó, Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước sẽ góp vốn 18 tỷ USD. Nam Phi sẽ góp 5 tỷ USD và Trung Quốc cam kết góp 41 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc là nước có cổ phần lớn nhất tại NDB với quyền bỏ phiếu ở mức 39,5%.
Ông Kundapur Vaman Kamath - cựu giám đốc ngân hàng ICICI (ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ) sẽ giữ chức chủ tịch.
Đây là ngân hàng chính sách thứ 2 được thành lập với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc. Cùng với Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), NDB được xem là lựa chọn thay thế cho những cơ sở tài chính lớn hiện nay như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ quốc tế.
NDB sẽ là nguồn cung cấp tín dụng cho các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng tại các nước BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ông Kamath cho biết, NDB dự kiến bắt đầu cho vay vào tháng 4/2016.
Theo thông tin từ buổi lễ khai trương ngày 21/7, kế hoạch thành lập NDB được đề xuất từ năm 2012 nhưng phải hoãn lại do gặp phải nhiều bất đồng trong chính sách cấp vốn, quản lý và địa điểm đặt trụ sở.
Ông Kundapur Vaman Kamath khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là thách thức hệ thống tài chính hiện thời, mà là để cải thiện và bổ sung cho hệ thống ấy theo cách riêng của chúng tôi."
Sau buổi họp với các lãnh đạo của AIIB tại Bắc Kinh, ông Kamath cho biết, NDB quyết định thiết lập "đường dây nóng"với AIIB để thảo luận các vấn đề chung.
Buổi lễ khai trương NDB có sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình và các đại biểu đến từ 57 quốc gia khác trên thế giới.
Nguyễn Dung
Theo Reuters