Tuần qua, ringgit giảm 3,8% so với USD khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Malaysia Zeti Akhtar Aziz hôm 13/8 cho biết cần phải bồi đắp lại dự trữ ngoại hối của nước này do dự trữ đã xuống dưới 100 tỷ USD lần đầu tiên kể từ 2010.
Tuy nhiên, bà Aziz bác khả năng sẽ áp dụng chính sách neo tỷ giá hay kiểm soát vốn mà Malaysia triển khai cách đây 17 năm nhằm đối phó với đà lao dốc nội tệ dưới thời cố Thủ tướng Mahathir Mohamad. Thủ tướng Mahathir khi đó đổ lỗi cho các nhà đầu tư nước ngoài đã hủy hoại đồng ringgit và gọi tỷ phú đầu cơ Geroge Soros là kẻ “thoái hóa” vì cũng dính líu đến.
“Đà mất giá của ringgit đang gợi nhớ lại cuộc tấn công của các quỹ đầu cơ trong giai đoạn khủng hoảng 1997 – 1998. Chúng tôi cho rằng Malaysia sẽ không áp chính sách kiểm soát vốn, song không loại trừ khả năng này nếu như dự trữ ngoại hối của Malaysia giảm quá nhanh”, Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch ở Singapore nhận định.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, ringgit là đồng tiền giảm mạnh nhất châu Á với mức giảm 22% do nhiều yếu tố tác động trong đó có nghi án Thủ tướng Najib Razak nhận hối lộ từ quỹ đầu tư, việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, dầu thô mất giá và nguy cơ Mỹ tăng lãi suất vào cuối năm.
Thời điểm cách đây 17 năm, ringgit mất giá tới 30% trước khi chính quyền Thủ tướng Mahathir áp lệnh kiểm soát vốn vào tháng 9/1998. Chính quyền Mahathir khi đó đã bỏ ngoài tai cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và kiên quyết neo tỷ giá ringgit ở 3,8 ringgit đổi 1 USD.
Giới đầu tư cho rằng, nếu nguy cơ này lặp lại, dòng tiền sẽ tháo chạy khỏi Malaysia. Hiện ringgit duy trì ở mức thấp nhất 17 năm trong khi chỉ số chứng khoán Malaysia thấp nhất kể từ 2012. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trái phiếu chính phủ Malaysia đưa lượng nắm giữ trái phiếu này xuống thấp nhất kể từ tháng 8/2012.
Minh Phương
Theo Bloomberg