Tự gọi mình là Jack, một người đàn ông nọ nổi bật giữa phố với thắt lưng bóng bẩy hiệu Louis Vuitton, cổ đeo chiếc dây chuyền vàng sáng loáng cùng một chiếc kính râm gọng nạm vàng. Nhìn Jack đúng như bức tranh biếm họa của một gã đầu gấu tầm thường. Phì phèo một điếu xì gà xuất xứ từ Cuba, Jack cho biết anh vừa ghé qua một hiệu cầm đồ trên đường trở về từ sòng bạc Ponte 16 ở Macau để mua loại xì gà thượng hạng Cohiba.

Khi được hỏi về nơi đổi nhân dân tệ sang ngoại tệ ở Trung Quốc, Jack phá lên cười và chìa ra một thẻ ngân hàng Trung Quốc. "Chỉ cần quẹt nó thôi. Dù là anh có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng Trung Quốc thì có thể đổi ở ngay đây", Jack nói. Kể từ khi Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát vốn thì việc đổi nhân dân tệ lấy ngoại tệ cũng chính thức bị cấm.

Macau được biết đến là cửa ngõ bất hợp pháp để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc, nhằm tránh xa những ánh mắt soi mói của chính phủ nước này. Điều này chẳng còn là gì mới mẻ nữa. Macau, trước đây từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong gần 500 năm trước khi trở về là Đặc khu hành chính của Trung Quốc vào năm 1999, vốn nổi tiếng là thánh địa sòng bạc.

Trong vài tháng gần đây, giao dịch đổi ngoại tệ bất hợp pháp tại Macau hoạt động nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trước đó, giới đầu tư đã rút mạnh vốn ra khỏi Trung Quốc do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế. Trong suốt mùa hè sau khi "bong bóng" thị trường chứng khoán Trung Quốc vỡ và chính phủ phá giá nhân dân tệ, dòng vốn tháo chạy khỏi nước này lại càng tăng mạnh. Các số liệu chính thức cho thấy, con số này đã đạt kỷ lục hơn 150 tỷ USD hồi tháng 8/2015.

Trong bối cảnh này, chính phủ Trung Quốc buộc phải triển khai chiến dịch truy quét các ngân hàng hoạt động ngầm đang thực hiện chuyển tiền qua biên giới và các giao dịch bất hợp pháp ở trong và ngoài nước. Lực lượng cảnh sát từng khám xét các hiệu cầm đồ và bắt 17 người có dính dáng đến hoạt động rửa tiền.

Sau đó, các giao dịch bất hợp pháp có vẻ như cũng giảm dần. Tuần trước khi một phóng viên của Economist tới các hiệu cầm đồ ở Macau để xin chuyển 1 triệu nhân dân tệ (157.000 USD) ra khỏi Trung Quốc, phần lớn đều tỏ vẻ ngần ngại. Số còn lại đồng ý giúp và yêu cầu chia nhỏ số tiền với mức phí 3%. Con số 1 triệu nhân dân tệ này lớn gấp 3 lần số tiền mà một người được phép rút trong 1 năm.

Jack giải thích rằng, trước đây chuyển những món tiền lớn như vậy là việc rất dễ dàng. Còn bây giờ, để an toàn họ cần phải chia nhỏ số tiền đó ra để tránh gây chú ý.

Với hàng loạt những sòng bạc và cửa hàng đồ trang sức hào nhoáng, Macau là nơi thích hợp nhất để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có những cách khác để một người có thể chuyển những món tiền lớn hơn nhiều ra nước ngoài. Phổ biến nhất là việc phóng đại hóa đơn nhập khẩu, mua các dịch vụ tư vấn giả và bịa ra những thương vụ với các công ty con ở nước ngoài. Điển hình là, trên trang web mua sắm trực tuyến Taobao, người ta có thể dễ dàng tìm thấy các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền tệ xuyên biên giới.

Câu hỏi lớn hiện nay là mức độ nguy hiểm của dòng vốn tháo chạy đối với nền kinh tế Trung Quốc. Dẫu vậy, trong khi giới đầu tư liên tục rút vốn thì Trung Quốc vẫn nhận được một lượng lớn vốn đổ về từ các tài khoản vãng lai. Trong 8 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại đạt 365 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối giảm là một bằng chứng cho thấy, dòng vốn đổ vào Trung Quốc thông qua các kênh khác ngày càng tăng. Theo một vài số liệu, con số này có thể đã lên tới 600 tỷ USD.

Tuy nhiên, có người cho rằng, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm là do USD tăng giá quá mạnh trong thời gian gần đây, kéo giá trị các tài sản (trong kho dự trữ) định giá bằng đồng tiền khác giảm theo. Hơn nữa, phần lớn số tiền trong tài khoản vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc thông qua các giao dịch bất hợp pháp ở Macau không phải là "tiền nóng". Nguyên nhân đơn giản do, nhiều doanh nghiệp giữ nguyên thu nhập bằng ngoại tệ từ các công ty con ở nước ngoài trong tài khoản ngân hàng, thay vì đổi sang nhân dân tệ.

Kết quả là, lượng vốn thực sự tháo chạy khỏi Trung Quốc chưa bằng một nửa ước tính của chính phủ và thấp hơn doanh thu thương mại của nước này, theo chuyên gia phân tích Larry Hu tại công ty chứng khoán Macquarie. Vì vậy, đây không phải là một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc rõ ràng đang rất lo lắng về xu hướng rút vốn ồ ạt. Nếu không, họ đã không can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ để bảo vệ nhân dân tệ trong vài tuần qua. Một số chuyên gia băn khoăn, không biết Trung Quốc có thể duy trì hoạt động can thiệp như vậy trong bao lâu nữa.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mối đe dọa thực sự nếu hàng triệu hộ gia đình mất niềm tin vào chính phủ và quyết định rút tiền khỏi quê hương. Khi đó, các hiệu cầm đồ ở Macau sẽ trở thành mối lo lớn của chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả khi các ngân hàng hoạt động ngầm sẵn sàng thì vẫn sẽ có rất ít người dám chấp nhận rủi ro để làm việc đó.

Theo số liệu mới nhất của Bloomberg, ước tính trong tháng 8, dòng tiền rút khỏi Trung Quốc đã lên tới 141,66 tỷ USD, vượt mức kỷ lục của tháng 7 là 124,62 tỷ USD. Đây là tốc độ tháo chạy của dòng tiền mạnh nhất từ trước đến nay. 


Tờ Economist cho rằng, miễn là tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát thì Trung Quốc sẽ có thể vượt qua thời kỳ bị rút vốn này.

Kim Dung

Theo Economist