Hành trang của Tổng thống Mỹ Barack Obama mang tới châu Phi trong chuyến thăm vừa qua là những cam kết về thúc đẩy thương mại và cuộc chiến chống khủng bố, vốn là thách thức của thế giới trong hơn một thập kỷ qua.
Giới phân tích nhận định chuyến thăm là một phần trong nỗ lực đưa Lục địa Đen trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng thời gian tới.
Trọng tâm các cuộc hội đàm cấp cao tại hai chặng dừng chân là đẩy mạnh hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tăng cường sự minh bạch trong các hoạt động của chính phủ, chống nạn săn bắt trái phép động vật hoang dã...
Ngoài ra, các vấn đề chống khủng bố, lực lượng Hồi giáo cực đoan và đảm bảo an ninh quốc gia, góp phần vào ổn định khu vực cũng là chủ đề được lãnh đạo các nước đặc biệt quan tâm.
Tổng thống Obama khẳng định đầu tư và kinh doanh ở châu Phi sẽ góp phần phá vỡ những rào cản và xây dựng những nhịp cầu giữa các nền văn hóa. Ông cho rằng châu Phi đang chuyển mình và là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ông cam kết hỗ trợ hơn 1 tỷ USD từ chính phủ, ngân hàng, các quỹ và những nhà từ thiện Mỹ để giúp châu Phi; đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Ethiopia cũng như các quốc gia khác trong Liên minh châu Phi (AU) mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống các nhóm phiến quân Hồi giáo, trong đó có lực lượng Al-Shebab. Ông đánh giá cao việc Ethiopia và Kenya là hai nước đi tiên phong trong cuộc chiến này.
Đánh giá tổng thể chuyến công du châu Phi lần này của ông Obama, giới phân tích nhận định Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu về việc đưa Lục địa Đen trở lại vị trí trọng tâm trong chính sách đối ngoại sau một thời gian mờ nhạt do bị chi phối nhiều vấn đề khác.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 của ông Obama từng khiến nhiều người hy vọng về một mối quan hệ sâu đậm hơn giữa Mỹ và châu Phi. Tuy nhiên, tình hình thế giới diễn biến phức tạp khiến Washington chú trọng hơn tới các khu vực khác, trong đó có Trung Đông với sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chính sách “tái cân bằng” do sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, châu Âu với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Dù Tổng thống Obama từng thăm châu Phi 4 lần, nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào, nhưng theo các nhà phân tích, đối với nhiều người sống trên lục địa này, vai trò của Mỹ ngày càng mờ nhạt bởi Trung Quốc đang ráo riết mở rộng ảnh hưởng bằng những khoản đầu tư và nhiều hứa hẹn. Khi nhiệm kỳ thứ hai không còn nhiều, hiện là thời điểm thích hợp để Tổng thống Obama hướng tới châu Phi, ghi thêm dấu ấn về những thành quả đối ngoại.
Thực tế, đến với châu Phi, nước Mỹ có thể giải quyết đồng thời hai vấn đề lớn. Thứ nhất, thông qua việc mở rộng hợp tác thương mại để tăng cường cạnh tranh vị thế với Trung Quốc. Trong khi châu Á trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, châu Phi với tiềm năng tăng trưởng cao đang trở thành niềm hy vọng mới.
Theo các nhà nhân khẩu học, kinh tế học và các chuyên gia công nghiệp và nông nghiệp, châu Phi có đầy đủ khả năng để trở thành cỗ máy kinh tế quan trọng trong nhiều thập kỷ tới.
Với dân số hơn 1,1 tỷ người, lục địa này có tiềm năng rất lớn. Khoảng 1/3 trong số 54 quốc gia châu Phi có mức tăng trưởng GDP hàng năm hơn 6% khiến Lục địa Đen có mức tăng trưởng cao thứ 2 thế giới (sau châu Á) với tốc độ tăng trưởng trung bình 4,7% mỗi năm. Châu Phi sẽ có lực lượng lao động lớn nhất hành tinh, ước đạt 163 triệu người trong thập kỷ này và dự báo chiếm 25% lực lượng sản xuất thế giới vào giữa thế kỷ 21. Rõ ràng, Lục địa Đen là một đối tác mà Mỹ không thể bỏ qua.
Trong khi đó, ý thức được những thế mạnh của châu lục này, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã triển khai mạnh mẽ chính sách của mình tại đây. Đến nay, Bắc Kinh là nước cung cấp nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhất trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, khai thác mỏ như hệ thống đường sắt mới trị giá gần 10 tỷ USD tại Tanzania, một số tuyến đường giao thông tại Cộng hòa Congo, thăm dò và khai thác dầu khí tại Angola, Nigeria.
Những khoản tiền cho vay khổng lồ với lãi suất thấp đã cho phép hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường của nhiều nước châu Phi và đổi lại, Trung Quốc mua được các nguyên, nhiên liệu thô với giá rẻ mà nước này đang "rất khát" như dầu mỏ, than, khóang sản, vàng, đá quý...
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kim ngạch trao đổi thương mại Trung-Phi đã tăng hơn 30% trong những năm gần đây và đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD, bỏ xa Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Ngoài ra, các khoản đầu tư của Trung Quốc tại châu lục này cũng tăng "chóng mặt" lên tới gần 20 tỷ USD và hơn 3.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang có mặt tại châu Phi. Điều đó cho thấy Mỹ đã chậm chân hơn Trung Quốc trong việc tạo dựng ảnh hưởng tại châu lục lục này.
Thứ hai, chống khủng bố là một trong những thách thức lớn nhất mà châu Phi đang phải đối mặt. Nơi đây có thể coi là sào huyệt của các nhóm Hồi giáo cực đoan mưu toan áp đặt luật Hồi giáo hà khắc trên khắp châu lục, trong đó phải kể đến Al-Shabab, Boko Haram... Không chỉ chống phá các chính quyền sở tại, những lực lượng này còn nuôi dưỡng tư tưởng chống phương Tây, truyền bá, kích động, lôi kéo các phần tử thánh chiến trên toàn thế giới, âm mưu tiến hành các vụ khủng bố nhằm vào các lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh.
Từ góc nhìn này, chuyến thăm của Tổng thống Obama là cơ hội để Washington thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Kenya và Ethiopia nhằm giành một chỗ đứng vững chắc hơn trên bản đồ an ninh khu vực, qua đó góp phần giảm thiểu nguy cơ an ninh quốc gia.
Rõ ràng, chuyến công du châu Phi của Tổng thống Obama cho thấy một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông muốn ghi dấu ấn riêng trong quan hệ Mỹ - châu Phi trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, đặc biệt sau khi ông chủ Nhà Trắng đã liên tục “ghi điểm” với những thành tích ngoại giao như bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran...
Theo Vietnam+