Kể từ năm 1972, sự xuất hiện của giây nhuận nhằm đồng bộ hóa thời gian trên các đồng hồ nguyên tử với vòng quay của Trái Đất. Cứ vài năm một lần, các nhà khoa học sẽ điều chỉnh thêm 1 giây nhuận, Đến nay, họ đã tiến hành 25 lần tăng giây nhuận, lần gần nhất là vào năm 2012 nhưng thời điểm đó giây nhuận rơi vào ngày cuối tuần.
Ngày 30/6 tới, lần đầu tiên, giây nhuận rơi vào thời điểm giao dịch của thị trường. Nếu tính theo giờ GMT thì rơi vào nửa đêm, nhưng nếu theo giờ châu Á, giây nhuận trùng thời điểm mở cửa thị trường. Khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ vừa đóng cửa, trong khi các thị trường khác từ Sydney đến Tokyo phải hiệu chuẩn lại thời gian.
Theo ông Greg Wood, chủ tịch tại một chi nhánh thuộc Hiệp hội ngành kinh doanh kỳ hạn cho rằng, các công ty giao dịch cũng phải chuẩn bị cho sự kiện này, “sẽ có một số vấn đề xảy ra”.
Khoảng 10% hệ thống máy tính quy mô lớn trên thế giới có nguy cơ gặp sự cố do giây nhuận, Geoff Chester, quan chức tại cơ quan giám sát hải quân nhận định.
Thực tế, năm 2012, Qantas Airways và Reddit là hai trong số các công ty gặp phải sự cố gián đoạn hệ thống máy chủ, hệ thống đặt vé trực tuyến của Qantas Airways sập trng vài giờ vào sự kiện giây nhuận. Ngày nay khi công nghệ số trở nên phổ biến, nguy cơ xảy ra những sự cố kiểu này khi thế giới có thêm giây thứ 61 cũng sẽ tăng.
Hàng trăm nếu không muốn nói là hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn thế giới hiện giao dịch các tài sản đầu tư từ cổ phiếu đến trái phiếu, sản phẩm phái sinh thông qua hệ thống giao dịch điện tử.
Hiện để hạn chế ảnh hưởng của giây nhuận, sàn giao dịch chứng khoán New York cho biết sẽ đóng cửa sớm hơn 5 phút; Sàn giao dịch chứng khoán liên lục địa (Intercontinental Exchange Inc.) cũng cho biết sẽ lùi thời gian tất cả các giao dịch. Các sàn giao dịch kỳ hạn ở Australia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ tính giây nhuận vào khoảng thời gian 2 giờ trước khi xảy ra sự kiện này để khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm theo giờ GMT thì sàn chứng khoán của họ cũng sẽ tự đồng bộ hóa thời gian.
Minh Phương
Theo Bloomberg