"Thị trường chưa tính đến khả năng người Hy Lạp bỏ phiếu "Không" thắt lưng buộc bụng đâu. Nếu điều này thành hiện thực, chúng ta sẽ được chứng kiến vòng xoáy đi xuống khủng khiếp như đầu tuần này vậy. Và lần này sẽ còn mạnh hơn nữa", ông nói.
Ngày 29/6, chỉ số Euro Stoxx 50 đã giảm tới 4,2% và S&P 500 mất giá mạnh nhất hơn một năm, khi Thủ tướng Tsipras bất ngờ kêu gọi trưng cầu dân ý về các biện pháp thắt chặt của nhóm chủ nợ. Lo ngại cuộc bỏ phiếu này có thể là bước đệm cho Hy Lạp rời eurozone đã khiến thị trường tài chính biến động lớn trong tuần qua.
Một cuộc thăm dò của Bloomberg hôm qua cho thấy 43% người Hy Lạp dự định bỏ phiếu các biện pháp thắt chặt, 42,5% cho biết sẽ nói "Có", còn lại chưa quyết định. Dù tỷ lệ phản đối đã giảm từ 52% một tuần trước đó, cuộc khủng hoảng Hy Lạp vẫn cho thấy sự hạn chế trong các nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm vực dậy niềm tin vào khu vực đồng tiền chung và ngăn ảnh hưởng lan rộng của sự kiện này trong khối.
Credit Suisse thì cho rằng khả năng Hy Lạp rời đi sẽ lên tới 45% nếu nước này bỏ phiếu "Không". "Việc này sẽ đặt ra câu hỏi về tính đoàn kết của eurozone. Nếu đột nhiên một thành viên rời bỏ, nó sẽ tạo ra tiền lệ và làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của khối này", Joy nhận xét.
Cổ phiếu tại các nước yếu trong eurozone - Tây Ban Nha và Italy bị tác động mạnh nhất sau tin tức về cuộc trưng cầu dân ý, với mức giảm hơn 5% tuần qua. Một chỉ số đo độ biến động cổ phiếu trong khu vực này đã tăng 21% chỉ trong 5 ngày. Và Euro Stoxx 50 hiện thấp hơn 10% so với đỉnh 7 năm đạt được hồi tháng 4.
Dù vậy, phản ứng của thị trường đến nay vẫn chưa tồi tệ như năm 2010, khi Hy Lạp nhận gói cứu trợ đầu tiên từ nhóm chủ nợ. Năm đó, Euro Stoxx 50 mất tới 17% trong gần 6 tuần, S&P 500 giảm 11% và MSCI All-Country World Index mất 16%.
Dù vậy, trong một báo cáo ngày 2/7, Goldman Sachs nhận định biến động cổ phiếu nếu Hy Lạp từ chối các điều khoản của gói cứu trợ sẽ chỉ là ngắn hạn nếu có sự can thiệp của ECB, lái sự chú ý của nhà đầu tư vào các yếu tố nền tảng của châu Âu.
Đảng cầm quyền Syriza của Thủ tướng Tsipras đang vận động người dân nói "Không". Nếu việc này thành sự thực, Euro Stoxx 50 sẽ mất 8,5% so với mức đóng cửa tuần này. Còn nếu người Hy Lạp nói "Có", Euro Stoxx 50 sẽ lần gần đỉnh tháng 4.
Asoka Woehrmann tại Deutsche Asset & Wealth Management Investment thì cho rằng bác bỏ các điều khoản cứu trợ có thể cũng không giúp ông Tsipras có thêm quyền lực khi đàm phán. "Chưa ai có thể lý giải đầy đủ ý nghĩa của kết quả này. Tôi không cho rằng kết quả "Không" có thể giúp nhóm chủ nợ dịu giọng với Hy Lạp", ông cảnh báo.
David Kelly – chiến lược gia toàn cầu tại JPMorgan Funds nhận định để tình hình rơi vào bế tắc như hiện tại là lỗi của cả hai bên. "Châu Âu rất bất công và độc ác với Hy Lạp. Nhưng cách Syriza đàm phán với châu Âu cũng khiến Chính phủ các nước trong khối mất niềm tin vào họ", ông nói.
Credit Suisse dự báo nếu người Hy Lạp bỏ phiếu "Không", nước này sẽ không rời khu vực đồng euro ngay lập tức. Nhưng có thể bắt đầu in tiền riêng để duy trì hệ thống tài chính. Nước này có thể sớm cạn kiệt tiền mặt và không thể hoàn trả 3,5 tỷ euro trái phiếu đáo hạn cho ECB ngày 20/7. Ngân hàng Trung ương Hy Lạp khi ấy sẽ rút thanh khoản khẩn cấp cho các nhà băng nước này, và khả năng rời eurozone sẽ càng lên cao nữa.
"Vấn đề hiện tại là chưa có quy trình nào cho việc một quốc gia rời eurozone và dùng lại đồng tiền trước đây. Nó sẽ tạo ra đủ thể loại bất ổn cho châu Âu", David Lafferty - chiến lược gia thị trường tại Global Asset Management kết luận.
TheovHà Thu
VnExpress/Bloomberg