PPP hiệu quả và hợp lý
Cuối tháng 7, Nội các Thái Lan thông qua đề xuất của Bộ Giao thông về phát triển, mở rộng cảng và cơ sở hạ tầng phục vụ du thuyền và tàu du lịch. Dự kiến, công tác nghiên cứu cơ sở hạ tầng sẽ kết thúc và được đệ trình lên Nội các vào tháng 9; còn cơ sở hạ tầng dành cho tàu hành trình phải kết thúc trong năm nay.
Nằm trong kế hoạch trên, Nội các Thái Lan hướng dẫn các bộ, ngành liên quan xem xét kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tại cảng Laem Chabang và Bangkok để tăng cường cung cấp dịch vụ du lịch tàu biển. Tại thời điểm này, Chính phủ chưa quyết tổng chi phí đầu tư và địa điểm xây dựng; nhưng dự kiến áp dụng mô hình PPP để đa dạng nguồn vốn và nâng cao chất lượng quản lý cảng.
Chính phủ Thái Lan tin rằng, các dự án mở rộng tàu hành trình và du thuyền du lịch sẽ giúp nâng cao lợi nhuận trong ngành này lên 3,6 tỷ baht (102 triệu USD) từ năm 2016 - 2017. Hiện Thái Lan có 6 cảng dành cho du thuyền ở biển Andaman, 5 cảng ở Vịnh Thái Lan. Tổng công suất phục vụ của 11 cảng này là 2 nghìn du thuyền.
Nhưng, nước này chưa có cảng nào phục vụ riêng tàu du lịch hành trình loại lớn. Chỉ có ba cảng (Bangkok, Laem Chabang, Phuket) cung cấp dịch vụ cho cả du thuyền, tàu du lịch và đang phải gồng mình đáp ứng nhu cầu bùng nổ. Đó chính là lý do vì sao Thái Lan cấp tập đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hệ thống cảng trên toàn quốc. Để thực hiện nhiều dự án lớn cùng lúc với nguồn vốn đầu tư chắc chắn không nhỏ, các chuyên gia nhận định: PPP là biện pháp hiệu quả và hợp lý nhất.
Xu hướng áp dụng PPP vào phát triển cơ sở hạ tầng cảng đang trở thành xu hướng tất yếu tại không chỉ Thái Lan, khu vực châu Á mà trên quy mô toàn cầu. Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Trong bối cảnh phần lớn tuyến giao thương toàn cầu được thực hiện qua đường biển, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường biển chuyên dụng và bền vững trở thành yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế đối với nhiều nước mới nổi và đang phát triển. Mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng nâng cấp cảng tất yếu trở thành phương tiện để quản lý hoạt động cảng hiệu quả hơn, so với quản lý độc quyền và truyền thống của nhà nước như trước kia”.
Xu hướng toàn cầu
Một điển hình sử dụng hiệu quả hình thức PPP vào xây dựng cảng là Nigeria. Trong bài tham luận tại Hội nghị Vận tải đa phương thức châu Phi lần thứ 12 được tổ chức tại Thủ đô Lagos của Nigeria, Giám đốc Quản lý đến từ Cơ quan Quản lý cảng của Nigeria - ông Habib Abdullahi từng công nhận hiệu quả đáng kể của PPP trong quản lý cảng. Theo ông Habib, trước khi cải cách cảng tại Nigeria, dịch vụ cảng tồn tại nhiều vấn đề: Thiếu vốn, hoạt động quan liêu, thiếu hiệu quả; các cơ quan an ninh cảng phức tạp, không đồng bộ; cơ sở hạ tầng xuống cấp; thiếu thiết bị xử lý vận tải... Để hạn chế nhược điểm, Chính phủ Nigeria bắt tay vào cải cách cảng từ năm 2006 trong đó “mở cửa” cho hợp tác công - tư.
Theo báo cáo của Tạp chí quốc tế về Ứng dụng và Đổi mới trong quản lý và kỹ thuật của Nigeria (IJAIEM), năm 2008, tư nhân đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào phát triển cảng; và các nhà điều hành tư nhân đã trả 5 tỷ USD tiền phí cho Chính phủ. Ông Habib nhận định, mô hình PPP đã đem lại hiệu quả đáng kể cho lĩnh vực cảng tại Nigeria: Dịch vụ vận chuyển hiệu quả hơn; cắt giảm thời gian hàng hóa lưu tại cảng; cơ sở hạ tầng cảng được cải thiện, hiện đại và an toàn hơn...
Mới đây, Philippines cũng “mở cửa” dự án hiện đại hóa cảng Davao Sasa lên tầm cỡ quốc tế với ước tính chi phí khoảng 18,99 tỷ peso (415 triệu USD) cho tư nhân tham gia. Chính phủ Philippines hy vọng, dự án này sẽ giúp giảm thời gian bốc dỡ hàng hóa tại cảng từ ba ngày xuống còn ba giờ, nhờ áp dụng các hệ thống khai thác, phương tiện bốc dỡ hàng hiện đại. Giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2018.
Dự kiến, thời gian nộp hồ sơ và đấu thầu hoàn tất trong quý IV năm nay; tháng 4 năm sau công bố nhà đầu tư trúng thầu. Đến nay, dự án này đã thu hút rất nhiều tư nhân trong nước cũng như nước ngoài quan tâm. Cuối tháng 7 vừa rồi đã có 6 tập đoàn tư nhân nộp đơn xin đấu thầu.