Vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá

Nửa đầu năm 2015, sự gia tăng về giá, mức tiêu thụ và sản lượng đều được ghi nhận ở tất cả các mặt hàng vật liệu xây dựng. Đơn cử với hai mặt hàng thép và xi măng. Theo báo cáo của Vụ Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng 7 tháng đầu năm 2015, sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ ước đạt 40,98 triệu tấn, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2014.

Riêng tháng 7, sản lượng tiêu thụ 6,50 triệu tấn, bằng 108% so tháng 6/2015, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo số liệu từ Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, giá bán lẻ xi măng tính đến thời điểm 15 ngày đầu tháng 8/2015 tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 - 1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 -1.850.000 đồng/tấn. Giá xi măng ổn định so với cùng kỳ tháng 7/2015 nhưng cao hơn cùng kỳ năm 2014.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành thép có mức tiêu thụ trên 3 triệu tấn sản phẩm thép xây dựng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Thực tế, một yếu tố dẫn đến sự phát triển của các mặt hàng vật liệu xây dựng như vậy bắt nguồn từ việc thị trường bất động sản trong nước tiếp tục nóng lên với hàng loạt các dự án mới được khởi động hoặc tái khởi động các dự án cũ. 

Đồng thời, lượng thanh khoản của thị trường BĐS cũng có nhiều biến chuyển. Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, 7 tháng đầu năm, có khoảng 11.050 giao dịch thành công, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014.

Theo khảo sát thực tế của Vinanet, tại cửa hàng vật liệu xây dựng lớn trên đường Trường Chinh, về giá xi măng, nhân viên bán hàng cho biết nếu mua với khối lượng 4 tấn trở lên sẽ có giá giao động trên dưới 1.430.000 đồng/tấn (với một số loại như xi măng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Chinfon, Quốc phòng...)

Giá bán lẻ về các đại lý địa phương sẽ vào khoảng trên dưới 1.480.000 đồng/tấn. Đặc biệt, với các công trình xây dựng của người dân, bán lẻ từng bao hoặc phải chở xe máy đi sẽ có giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng/bao tùy từng loại xi măng.

Ngoài ra, tất cả các vật liệu xây dựng khác như sắt, thép, cát, gạch... đều có sự tăng giá ở mỗi mặt hàng. Cửa hàng trưởng tên Nguyệt lấy ví dụ với giá xi măng Chinfon Hải Phòng loại PCB 40 đã tăng 140.000 đồng/tấn so với tháng 4/2015.

Tiểu thương không được hưởng lợi

Lý giải về hiện tượng tăng giá của các đại lý phân phối và bán lẻ, bà Nguyệt – trưởng cửa hàng trên đường Trường Chinh cho biết: "Công ty sản xuất lý giải giá điện cao, giá xăng lúc tăng lúc giảm rất hỗn loạn, rồi điều chỉnh tỷ giá nên các nguyên liệu phải nhập khẩu cũng tăng giá... nên chi phí sản xuất bị đội lên lớn quá, khiến họ cũng buộc phải tăng giá. Mà nguồn vào đã tăng nên đầu ra chúng tôi cũng buộc phải tăng theo".

Tại cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Minh Khai (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ cửa hàng tên Tuấn cho biết thêm một nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá của vật liệu xây dựng xuất phát từ sự nóng lên của thị trường bất động sản trong nước.

Ông Tuấn lý giải, từ đầu năm 2015 các dự án, công trình liên tiếp xây dựng, vì thế các nhà sản xuất cũng đồng loạt tăng giá thành của họ, trong khi thực tế nhu cầu không đến mức gây khan hiếm hàng để tăng giá lên như vậy.

Ông Tuấn cho biết thêm: "Đã thành quy luật rồi, cứ thị trường bất động sản nóng lên là đủ thứ sắt thép xi măng kéo nhau tăng giá, đến cái cát với gạch cũng tăng giá theo. Mà tăng giá này toàn tiểu thương chúng tôi thiệt chứ các nhà sản xuất có thiệt gì đâu."

Chủ một cửa hàng nhỏ trên đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Các ông lớn cứ xây dựng ầm ầm, nhưng dân người ta có xây đâu. Tôi bán hàng ở đây từ mấy tháng nay đi được có vài bao xi măng. Nhu cầu xây dựng của người dân giờ rất kém, họ chỉ sửa chữa lặt vặt thôi, còn hiếm có ai mà xây cả cái nhà to."

Đồng quan điểm, chủ cửa hàng trên đường Hoàng Quốc Việt chia sẻ, nhu cầu xây dựng của người dân vào thời điểm hiện tại gần như không có, trong khi giá bán vật liệu lại tăng cao cũng là một nguyên nhân khiến dự định xây nhà của người dân cũng bị tác động lớn.


Chủ cửa hàng này nhấn mạnh: "Khách hàng thì ít, giá nhập về thì tăng nhưng chúng tôi nhiều khi không dám bán chênh giá quá nhiều với khách, đặc biệt là khách quen. Bây giờ các cửa hàng cạnh tranh nhau mệt lắm. Mình bán giá không tốt là khách bỏ sang nhà bên cạnh ngay."

 

 

Mặt hàng duy nhất hưởng lợi từ biến động tỷ giá

Tuy các vật liệu xây dựng đều tăng giá gốc từ nhà sản xuất, nhưng sẽ có những mặt hàng giảm giá. Theo thông tin từ nhiều chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng, mặt hàng duy nhất giảm giá vào thời điểm này là nội thất. Theo lý giải của ông Tuấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Minh Khai, nội thất bình dân đều nhập thành phẩm hoặc nguyên liệu như gỗ công nghiệp, sơn, giấy dán... từ Trung Quốc về, trong khi đồng Nhân dân tệ đang rẻ.

Tuy nhiên, giá nhập về rẻ đồng nghĩa với chi phí sản xuất giảm xuống, nhưng việc các cửa hàng bán nội thất có giảm giá hay không lại tùy vào mỗi chủ cửa hàng nhất định.

 

 

 

Minh Tú