Giá nông sản lao dốc sau những nỗ lực bình thường hoá hoạt động xuất khẩu tại Biển Đen
Trước bức tranh ảm đạm về nguồn cung tại Biển Đen, một cuộc đàm phán đa phương giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc đã chính thức diễn ra. Theo đánh giá từ Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc thảo luận giữa các bên đang diễn ra tốt đẹp. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết các đề xuất của nước này về cách thức nối lại xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen đã nhận được sự ủng hộ từ phần đông người tham dự. Động thái này được xem như chìa khóa giúp giải tỏa phần nào những lo ngại đã đẩy giá nông sản tăng vọt trong nửa đầu năm nay.
Trước hàng loạt thông tin khả quan về triển vọng nối lại hoạt động lưu thông nông sản trên biển Đen, câu chuyện về việc lao dốc của giá nông sản cũng là điều dễ hiểu. Sau khi đạt mức đỉnh lịch sử vào tháng 5, giá ngô và lúa mì đã chứng kiến một cú trượt dài về vùng giá trước khi căng thẳng chính trị nổ ra. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 21/07, giá lúa mì Chicago đã sụt giảm hơn 1% xuống mức 806 cent/giạ (~ 296 USD/tấn). Tương tự với lúa mì, đà giảm mạnh của giá ngô cũng tiếp tục được kéo dài và đóng cửa phiên hôm qua với mức giảm 2,8%.
Rủi ro vẫn đang hiện diện khi hỗ trợ từ các nước vẫn chưa được thực hiện hoá
Cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đã dần được xoa dịu, song những tàn dư còn lại vẫn chưa thể nào xoá mờ. Việc phong tỏa các cảng biển lớn tại Ukraine đã khiến hoạt động xuất khẩu của quốc gia này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quốc gia xuất khẩu lương thực thứ 5 trên thế giới buộc phải sử dụng các kho chứa tạm thời để kéo dài chất lượng của ngũ cốc còn đang tồn đọng. Theo hãng tin Reuters, lượng bao tải lớn, túi nhựa lớn và silo tạm thời mà quốc gia này nhận được từ các đối tác quốc tế đủ để dự trữ cho niên vụ hiện tại. Tuy nhiên, việc bảo quản này chỉ có tác dụng trong 1 khoảng thời gian từ 12 – 17 tháng.
Trong khi đó, thời gian Ukraine có thể hoàn toàn gỡ bỏ được rào cản và xuất khẩu trở lại bình thường vẫn đang bị bỏ ngỏ. Thu hoạch lúa mì vụ xuân của Ukraine cũng đã kéo dài được gần 1 tháng. Nông dân cũng cần giải phóng bớt 1 lượng ngũ cốc đang bị mắc kẹt để có thêm không gian để bảo quản nông sản mới. Vì thế, nếu những thỏa thuận không sớm được ký kết, 15 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ trước và khoảng 52 triệu tấn trong niên vụ mới sẽ đối diện với tình trạng hư hại và không thể xuất khẩu.
Ukraine vẫn có thể linh hoạt và tận dụng tối đa khả năng xuất khẩu hiện tại
Ở thời điểm hiện tại, sự tắc nghẽn tại các cảng ở Biển Đen đã khiến lương thực của Ukraine phải xuất khẩu qua các nước trong khu vực Châu Âu. Theo số liệu thống kê của Apk-Inform, xuất khẩu ngũ cốc trong tháng 6 của quốc gia này đạt 1,4 triệu tấn, tăng hơn 20% so với số liệu tháng 5. Không chỉ vậy, trong niên vụ 21/22 kết thúc vào ngày 30/06, Ukraine đã xuất khẩu 18,7 triệu tấn lúa mì, tăng 13% so với niên vụ trước. Hãng tin này cũng dự báo con số này có thể vượt lên mức 10 triệu tấn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo trong niên vụ 22/23.
Bên cạnh việc chờ đợi vào kết quả chính thức của cuộc đối thoại trong tuần trước, Ukraine cũng tìm cách đa dạng hoá các phương thức vận chuyển nông sản. Theo đó, một lượng ngũ cốc được nước này vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ qua Romania và Ba Lan. Không những thế, trong vòng 4 ngày đã có tới 16 tàu vận tải quốc tế di chuyển qua cửa sông Bystre và cập cảng Ukraine nhằm vận chuyển ngũ cốc ra thị trường thế giới. Thêm vào đó, hơn 90 tàu khác đang chờ đến lượt di chuyển tại kênh Sulina của Romania.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), dựa trên các hành động quyết liệt của các quốc gia tham gia cuộc đàm phán, khả năng cao thoả thuận giữa các bên sẽ sớm được thực hiện trong 1 tháng tới đây. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho Ukraine trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ra thế giới. Trong trường hợp xấu nhất, ngay cả khi thỏa thuận không được thông qua nhanh chóng thì hoạt động giao thương của quốc gia này vẫn sẽ cải thiện nhờ việc tận dụng tối đa các phương thức vận chuyển. Do đó, giá nông sản trên thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc trong thời gian tới đây.
Thái Hảo
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)